Cả châu Âu nỗ lực vì một mùa đông không lạnh

(PLO)- Người dân và chính phủ các nước châu Âu đang tập trung mọi nỗ lực đối phó với một mùa đông mà theo dự báo sẽ lạnh khắc nghiệt, trong bối cảnh châu lục cực kỳ thiếu khí đốt do Nga cắt phần lớn nguồn cung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Châu Âu cần khí đốt Nga để sưởi ấm nhà cửa, vận hành các nhà máy và sản xuất điện. Nga nhiều tháng qua đã giảm cung khí đốt cho châu Âu chỉ còn bằng 1/10 so với trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Có thể hình dung song song với cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện tại là cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, với nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao kỷ lục.

Dân, doanh nghiệp đều khổ

Theo hãng tin AP, trên hầu hết châu Âu, nhiệt độ trong các không gian kín chung như công sở phải được điều chỉnh lạnh hơn. Đèn các địa điểm công cộng bị hạn chế bật. Nhiều cơ sở sản xuất như các tiệm làm bánh đang tính tới chuyện ngưng hoạt động vì thiếu năng lượng. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Dân các nước nghèo hơn đang tích trữ thêm củi.

Sự kết hợp của lãi suất cao, lạm phát cao và tăng trưởng chậm đã tạo thành cơn bão hoàn hảo nhấn chìm kinh tế châu Âu và hầu hết thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo vào đầu tháng 10

Tại Madrid (Tây Ban Nha), người dân rủ nhau lắp tấm pin mặt trời. Tại Bulgaria, nước nghèo nhất trong số 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), chi phí năng lượng tăng buộc các gia đình phải cắt giảm chi tiêu trước mùa đông dành tiền mua thực phẩm và thuốc men, theo AP. Theo văn phòng thống kê Eurostat của EU, hơn 1/4 trong số 7 triệu dân của Bulgaria không đủ tiền để sưởi ấm nhà, mức cao nhất trong 27 nước của khối, do nhà cửa cách nhiệt kém và thu nhập thấp. Gần một nửa số hộ gia đình trữ củi sử dụng vào mùa đông như một loại nhiên liệu rẻ nhất và dễ tiếp cận nhất. Tại thủ đô Sofia, rất nhiều trong gần nửa triệu hộ gia đình dù có hệ thống sưởi nhưng đã ngưng dùng sau khi giá nhiên liệu tăng 40%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang cố gắng bám trụ để không mất khách hàng. Klara Aurell, chủ hai nhà hàng ở Prague (Cộng hòa Czech), cho biết cô cho thay bóng đèn LED ở hai nhà hàng, tắt đèn ban ngày, chỉ sưởi ấm một cách hạn chế khi trời thật lạnh, tiết kiệm nước nhưng cũng đang rất khó khăn để cầm cự.

Nướng bánh mì bằng lò nướng dùng khí đốt tại quán Cafe Ernst ở Neu Isenburg (Đức) ngày 19-9. Nhiều chủ tiệm bánh nhỏ đang tính đóng cửa vì khủng hoảng khí đốt. Ảnh: AP

Nướng bánh mì bằng lò nướng dùng khí đốt tại quán Cafe Ernst ở Neu Isenburg (Đức) ngày 19-9. Nhiều chủ tiệm bánh nhỏ đang tính đóng cửa vì khủng hoảng khí đốt. Ảnh: AP

Ông Richard Kovacs, Giám đốc phát triển kinh doanh của chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt Zing Burger tại Hungary, cho biết các nhà hàng đã phải hạn chế chạy lò nướng và sử dụng máy dò chuyển động để tắt đèn trong kho. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng 750% kể từ đầu năm.

Ông Andreas Schmitt, chủ chuỗi 25 tiệm bánh Cafe Ernst ở Frankfurt (Đức), cũng phải hạn chế bật lò nướng, lưu trữ ít bột hơn để cắt giảm chi phí làm lạnh. Ông hy vọng việc này có thể giúp tiết kiệm 5%-10% trên một hóa đơn năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng từ mức 300.000 euro mỗi năm trước đây lên 1,1 triệu euro vào năm tới.

Những nông dân Hà Lan - lực lượng chủ chốt cung cấp rau quả cho châu Âu vào mùa đông - phải đóng cửa nhà kính hoặc chịu lỗ khi chi phí sưởi ấm tăng vọt. Bosch Growers - một công ty trồng ớt xanh và mâm xôi đen - đã lắp thêm lớp cách nhiệt, thử nghiệm nhà kính với nhiệt độ thấp hơn. Chủ doanh nghiệp cho biết công ty “đang ở chế độ sinh tồn” vì “không muốn phá hỏng danh tiếng”.

Dù cố xoay xở nhưng các doanh nghiệp thừa nhận đang phải đối mặt với thực tế khó khăn rằng việc cầm cự sẽ khó được lâu hơn, có nguy cơ phải bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Theo ông Schmitt, sự hỗ trợ của các chính phủ chỉ là chìa khóa trong ngắn hạn, trong khi giải pháp dài hạn hơn liên quan đến việc cải tổ các thị trường năng lượng.

Vì một mùa đông không lạnh

Với chi phí cao và nguồn cung năng lượng eo hẹp, châu Âu đang triển khai các chương trình hỗ trợ và có kế hoạch cứu thị trường điện và khí đốt trong bối cảnh châu lục sẽ phải cần đến rất nhiều năng lượng trong mùa đông này.

Theo một phân tích từ tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế Bruegel (Bỉ), các quốc gia châu Âu đã phân bổ 500 tỉ euro để giảm bớt các hóa đơn điện, nước cao kể từ tháng 9-2021 và đang hỗ trợ cho các dịch vụ tiện ích không có khả năng mua khí đốt.

Cuối tháng 9, Đức đã công bố một chương trình trị giá 194 tỉ USD để giải quyết giá năng lượng tăng cao, tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng năng lượng. Pháp yêu cầu công ty năng lượng nhà nước bán điện với giá thấp trong năm nay. Anh - một trong những nước đang phải chịu mức giá năng lượng thuộc hàng cao nhất châu Âu đã chi 6,5% GDP trong năm qua để bảo vệ các công ty và cá nhân khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng - nhiều hơn nhiều so với hầu hết nước EU.

Thời gian qua, các chính phủ châu Âu đã chăm chỉ tiết kiệm năng lượng và tìm nguồn cung cấp mới. Tin tốt làm mọi người yên tâm phần nào là EU đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt trên mức mục tiêu và trước thời hạn. Cụ thể, các cơ sở lưu trữ khí đốt hiện đã đầy 86% trước mùa đông - vượt qua mục tiêu đặt ra trước đó là đầy 80% vào tháng 11.

Cuối tháng 9, EU thông qua gói biện pháp khẩn cấp. Theo tờ The Washington Post, gói gồm ba biện pháp: Đánh thuế phụ thu đối với khoản lợi nhuận tăng thêm của các công ty năng lượng hóa thạch trong năm nay hoặc năm tới (khoản lợi nhuận các nhà sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch kiếm được nhờ giá điện tăng cao); đồng ý mục tiêu tự nguyện giảm 10% tổng điện tiêu thụ trong toàn khối và giảm 5% điện tiêu thụ trong giờ cao điểm; áp giá trần lên khí đốt nhập khẩu.

Các nước cũng đang xếp hàng tìm nguồn cung cấp khí đốt bổ sung từ Na Uy và Azerbaijan cũng như tăng mua khí đốt được vận chuyển bằng tàu biển, phần lớn từ Mỹ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tự tin rằng nhờ sự chuẩn bị sớm mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu “có thể dũng cảm và can đảm bước vào mùa đông này” và “sẽ chống chọi được”. Tuy nhiên, theo Financial Times, nhiều thành viên EU thực sự nghĩ rằng các biện pháp đề xuất cho đến nay là không đủ. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng châu Âu thiếu nhiều lựa chọn thực tế để đối phó với cơn bão khủng hoảng năng lượng này. Vấn đề trước mắt của rất nhiều nước châu Âu là sống sót qua mùa đông mà không xảy ra bất ổn, ảnh hưởng đến chính trị. Vấn đề lớn hơn là cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết trong tương lai gần.

Hầu hết chuyên gia dường như đồng ý rằng cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài vài năm và dữ liệu thị trường cũng cho thấy điều này. Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) gần đây dự báo khủng hoảng khí đốt ở châu Âu có thể kéo dài ba năm (từ năm 2023 đến 2025) nếu châu Âu cứ theo đuổi tham vọng tìm được nguồn cung thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga. EU đã thống nhất - cả tự nguyện lẫn không tự nguyện - sẽ giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 41% nhu cầu hiện tại xuống còn 9%.•

Mùa đông châu Âu năm nay khắc nghiệt hơn

Tờ Financial Times dẫn dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu cho thấy châu lục này sẽ phải trải qua mùa đông lạnh hơn so với nhiều năm trước do các hiện tượng “thời tiết cực đoan”.

Cụ thể, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina (hiện tượng nhiệt độ xuống thấp do áp suất từ khu vực áp cao tràn xuống gây rét đậm, rét hại tại khu vực chịu ảnh hưởng), các luồng khí lạnh sẽ tràn xuống khu vực Tây Âu nhiều hơn mọi năm, khiến các nước này đứng trước nguy cơ đối mặt với mùa đông khắc nghiệt trong tháng 11 và 12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm