Ngày 19-8, Bệnh viện E (Hà Nội) thông tin về việc thực hiện thành công một ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi. Đây được coi là cơ hội mới cho các bệnh nhân tổn thương lành tính nhưng có sự phá hủy tổ chức xương lớn, nhất là viêm xương tủy xương đùi mạn tính.
Hai chân so le nhau 10cm
38 năm trước, ông Nguyễn Đức Vượng (63 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc viêm xương tủy xương đùi. Kể từ đó, các cơn đau xương đùi trái liên tục hành hạ ông, kéo dài cả ngày lẫn đêm. Dù đã trải qua rất nhiều ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn song kết quả không như mong đợi.
Sống chung với chứng bệnh, cơ thể ông Vượng dần phụ thuộc vào thuốc giảm đau rồi suy tuyến thượng thận do sử dụng corticoid quá nhiều. Hậu quả, chân trái của ông ngắn dần theo thời gian và so le với chân phải khoảng 10cm, teo hoàn toàn khối cơ mông, cơ đùi trước và cơ đùi sau bên trái.
Ông Nguyễn Đức Vượng (63 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc viêm xương tủy xương đùi. ẢNH: HÀ PHƯỢNG
Ông kể mỗi lần vận động, thậm chí đơn giản là bước đi cũng trở thành một cực hình. Đã không ít lần ông van xin bác sĩ cắt cụt chân trái để thoát khỏi cơn đau.
May mắn, trong lần khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, ông được các bác sĩ tư vấn về một kỹ thuật rất mới – đó là thay thế toàn bộ đoạn xương bị viêm bằng kim loại.
Cuối tháng 5-2020, ông Vượng được phẫu thuật tháo toàn bộ xương đùi và đặt cement. Sau bảy tuần sử dụng kháng sinh liên tục, bệnh nhân được mổ tháo cement, thay toàn bộ xương đùi nhân tạo.
Theo Bệnh viện E, do bệnh nhân thoái hóa khớp gối và khớp háng nặng, ổ cối biến dạng với rất nhiều chồi xương… dẫn tới nguy cơ trật khớp sau mổ. Các bác sĩ đã sử dụng các thông số của chính bệnh nhân đo đạc trên cắt lớp dựng hình để chế tạo bộ khớp háng, xương đùi và khớp gối đặc biệt.
Sau phẫu thuật ba ngày, bệnh nhân tự đứng và bước đi, các triệu chứng đau âm ỉ do viêm xương gần như không còn, tầm vận động khớp gối và khớp háng cải thiện hơn, chênh lệch giữa hai chân được rút ngắn.
Bệnh nhân thoái hóa khớp gối và khớp háng nặng.
Ca thứ 2 tại Việt Nam
PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn chấn thương chỉnh hình Đại học Y Hà Nội, là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật nêu trên.
Ông Dũng cho biết việc thay toàn bộ xương đùi bao gồm toàn bộ khớp háng, khớp gối và thân xương. Trường hợp của bệnh nhân Vượng là ca thứ 2 tại Việt Nam, và thứ 4 trên thế giới.
Một điều khá đặc biệt, ông Dũng cho rẳng điểm mấu chốt để ca phẫu thuật thành công chính là nhờ sự đồng thuận của bệnh nhân và gia đình. Họ đã tin tưởng vào các phương án mà bác sĩ đưa ra.
Cụ thể, nếu bệnh nhân bị ung thư, việc chỉ định tháo xương đùi là bắt buộc, thậm chí nếu không có giải pháp thì gần như phải tháo khớp háng. Điều đó không bàn cãi.
Tuy nhiên, trường hợp của ông Vượng, chỉ định được đưa ra khi bệnh nhân không bị ung thư, không thuộc yếu tố “nếu không mổ thì sẽ chết”. Chính vì vậy, mọi phương án phải tính toán, cân nhắc rất kĩ.
Theo ông Dũng, thay toàn bộ xương đùi là kỹ thuật rất cao, đòi hỏi người thực hiện nắm rất chắc về giải phẫu, sinh lý của khớp gối, khớp háng cũng như thân xương. Khi lấy toàn bộ xương đùi, nghĩa là toàn bộ hệ thống dây chằng của hai khớp không còn gì, việc phục hồi khớp làm sao cho vững, đảm bảo bệnh nhân đi lại được là một vấn đề lớn.