Cả năm 2024, đã miễn giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng tiền thuế

(PLO)- Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng tiền thuế. Và gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất đạt khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 31-12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tiếp tại trụ sở Bộ Tài chính và trực tuyến tại 62 điểm cầu tỉnh, thành phố để tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo phát ra tại hội nghị, năm 2024, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được giao.

Điểm nhấn đầu tiên có thể kể đến là tập trung thực hiện công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án. Năm qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án, nhiệm vụ được giao.

Ngành tài chính
Trong năm 204, ngành Tài chính đã miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng tiền thuế. Và gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất. Ảnh: CHÂN LUẬN

Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 được thực hiện ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán.

Ngoài ra, ngành tài chính đã phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm.

Dự báo trong thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, ngành Tài chính quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả 9 giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành đã đề ra.

Một là, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.

Hai là, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Bốn là, kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.

Bảy là, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tám là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chín là, chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm