Giá vàng thế giới đang có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với tổng mức tăng đạt hơn 55 USD/ounce, tạo động lực, thúc đẩy giá vàng trong nước bật tăng theo.
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng.
Đầu giờ chiều ngày 3-1, giá vàng miếng tại Công ty SJC tăng thêm nửa triệu đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua, nâng giá mua – bán lên 84 – 85,5 triệu đồng/lượng. Chỉ trong vài ngày qua, mỗi lượng vàng miếng SJC đã bật tăng thêm từ 1,3 – 1,8 triệu đồng lần lượt ở chiều mua và bán.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng, vàng miếng SJC đang giao dịch ở mức 84,9 – 85,5 triệu đồng/lượng, tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và vẫn giữ nguyên giá bán so với chốt phiên gần nhất.
Như vậy, vàng miếng SJC tại Mi Hồng đang được giao dịch cao hơn từ 1 – 1,5 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết tại Công ty SJC. Với việc nâng giá mua, nhưng không thay đổi giá bán đã khiến chênh lệch giữa giá mua bán vàng miếng SJC được rút ngắn, từ mức chênh nhau 2 triệu đồng mỗi lượng, đến nay khoảng cách này chỉ còn 600.000 đồng/lượng.
Trên thị trường "chợ đen" giá vàng miếng SJC đang neo ở mức 85,67 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 86,47 triệu đồng/lượng.
Đối với các loại vàng nhẫn 9999, Công ty SJC cũng điều chỉnh tăng thêm 500.000 đồng/lượng, đưa giá mua vào ở mức 84 triệu đồng/lượng, bán ra 85,3 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh biên độ tăng tương ứng, trong khi Công ty Phú Quý cộng thêm 900.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng thêm 800.000 đồng ở chiều bán ra, đưa giá vàng nhẫn tròn trơn của thương hiệu này lên 84,4 - 85,6 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng dao động quanh ngưỡng 2.660 USD/ounce, tăng thêm khoảng 55 USD/ounce so với 3 ngày trước. Quy đổi theo tỉ giá ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương gần 82 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giá vàng thế giới không thể rơi xuống dưới 2.000 USD/ounce
Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng hoạt động mua liên tục từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang là lực đẩy để hỗ trợ giá vàng trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu việc làm tại Mỹ vào tuần tới, báo cáo việc làm của ADP, biên bản cuộc họp FOMC tháng 12 của Fed và báo cáo việc làm của Mỹ để đánh giá triển vọng lãi suất năm 2025.
Mới đây, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Khi xem xét về tác động của chính sách tiền tệ của Fed đối với thị trường vàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khi Fed giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ sẽ tạo ra biến động ngắn hạn cho kim loại quý màu vàng.
Tương tự, Bank of America kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn để hỗ trợ đồng đô la Mỹ, điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn cho vàng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn giữ nguyên dự đoán vàng sẽ tăng cao lên mức trên 3.000 USD/ounce vào cuối năm nay do các yếu tố hỗ trợ triển vọng tăng giá vàng vào năm 2025 vẫn không có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, căng thẳng địa chính trị dai dẳng ở Ukraine và Trung Đông, kết hợp với việc ngân hàng trung ương tiếp tục tích trữ vàng, tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng của kim loại quý.
Ông Peter Schiff, chiến lược gia thị trường trưởng tại Euro Pacific Asset Management cho biết: "Trong quá khứ, vàng từng bước vào giai đoạn đột phá lớn về giá từ năm 2001 đến năm 2011, khi bật tăng từ 300 USD/ounce lên khoảng 1.900 USD/ounce. Sau đó, kim loại quý đã trải qua một quá trình củng cố về giá kéo dài suốt từ năm 2011 đến năm 2024, khi chỉ giao dịch trong khoảng từ 1.500 đến 2.000 USD/ounce. Và giờ thì vùng giá 2.000 USD/ounce đã trở thành dấu mốc trong lịch sử rồi.
Dù động thái giảm tốc độ hạ lãi suất của Fed sẽ khiến hành trình tăng giá của vàng gặp nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện loại tài sản này quay trở lại 2.000 USD/ounce, nhất là sau khi đã tăng “nóng” trong năm nay.
Đến một thời điểm nào đó, giá vàng sẽ tăng đủ cao để lòng tham bắt đầu thay thế nỗi sợ hãi trên thị trường, và khi đó bạn sẽ thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu khai khoáng sẽ tăng theo. Bán vàng để mua Bitcoin là “sai lầm tiền tệ tồi tệ nhất” mà nhà đầu tư có thể mắc phải”.
Thống kê cho thấy, năm 2024, với 3 lần Fed cắt giảm lãi suất cùng hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục với mức tăng đạt gần 30%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010.