Việc bãi bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng đang trở thành đề tài thu hút sự quan tâm từ giới chuyên gia và doanh nghiệp. Dưới đây là ý kiến một số chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề trên.
+Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế:
Xóa miễn thuế để chặn gian lận thương mại
Việc miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng nhập vào Việt Nam đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để gian lận thương mại, chia nhỏ đơn hàng nhằm tránh thuế.
Vì vậy việc bãi bỏ quy định này sẽ giúp tăng cường quản lý thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và tạo môi trường kinh doanh công bằng.
Mặt khác, để kiểm soát giá cả và chất lượng hàng ngoại nhập giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để theo dõi giao dịch và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
+Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House:
Công bằng thuế là công bằng trong kinh doanh
Thu thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng khi nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, các ứng dụng mua hộ... là rất cần thiết. Việc thu thuế VAT đối với doanh nghiệp quốc tế, dù là đơn nhỏ hay lớn, cũng là cách để tạo ra cuộc chơi công bằng cho doanh nghiệp.
Cùng đó, cần tính toán đến các vấn đề như thuế hoặc phí đối với hàng ngoại nhập giá rẻ có tính sử dụng nhanh, hàng có tính sử dụng 1 lần, tức phí bảo vệ môi trường. Ngoài thuế, tôi cho rằng cần phải tạo thêm khung hành lang cho kiểm định chất lượng hàng hóa, nhất là trong bối cảnh các nền tảng bán sỉ xuyên biên giới đang mở rộng thị trường tại Việt Nam.
+Luật sư Trần Xoa, Chuyên gia thuế:
Hỗ trợ doanh nghiệp nội qua chính sách thuế công bằng
Chính sách miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Bãi bỏ quy định miễn thuế để đảm bảo công bằng và minh bạch trong hệ thống thuế.
Hiện hàng ngoại nhập giá rẻ, không chịu thuế, tràn ngập thị trường, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp nội địa. Việc bãi bỏ quy định miễn thuế sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng, thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng thu ngân sách.
Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước và trong môi trường thương mại toàn cầu hiện nay, nên áp dụng quy định có tính thuế VAT với mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ thực hiện vận chuyển qua logistics xuyên biên giới. Việc thu thuế này cũng không hề khó, có thể dễ dàng thực hiện.
Góp ý thêm về quy trình thủ tục bãi bỏ quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn thuế đối với hàng ngoại nhập giá rẻ dưới 1 triệu đồng/đơn hàng cần phải được quy định đồng bộ thống nhất với các Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế nhập khẩu.
Cụ thể, mặc dù, cuối năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 174/2024/QH15 có nêu đề nghị chấm dứt hiệu lực Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc không áp dụng chính sách miễn thuế VAT đối với hàng có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh. Thế nhưng, theo đúng trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì phải chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ quyết định 78/2010/QĐ-TTg.
Riêng chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng có giá trị nhỏ vẫn được thực hiện như hiện hành theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này. Do đó, để ngừng chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng ngoại nhập giá rẻ dưới 1 triệu đồng thì cũng phải chờ Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, đảm bảo không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.
+Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):
Ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh
Hiệp hội ủng hộ việc bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng ngoại nhập giá rẻ không chỉ vận chuyển qua chuyển phát nhanh mà toàn bộ hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc áp dụng thuế VAT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị, sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh.
Việc điều chỉnh chính sách thuế theo hướng này sẽ giúp Việt Nam hòa nhập với xu thế chung của thế giới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển.
Bên cạnh đó, để tăng cường sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ, bản thân doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số và áp dụng công nghệ xanh để nâng cao năng suất, giảm chi phí và đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.
HUBA đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đối với TP.HCM, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các dự án hợp tác công - tư, thúc đẩy xã hội hóa và tăng cường đầu tư vào hạ tầng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước.
+Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam:
Miễn thuế nhập khẩu với hàng ngoại nhập giá rẻ, người bán lợi, người dùng thiệt!
Với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của TMĐT, việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam.
Với chính sách này tình trạng xé lẻ đơn hàng rất dễ phình to và gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách đối với thuế của nhà nước chúng ta. Chưa kể gây mất công bằng đối với các DN sản xuất trong nước.
Một thực tế phải nhận ra, hàng ngoại nhập giá rẻ thì người bán sẽ được lợi hơn là tiêu dùng, bởi giá bán của những đơn hàng này về tay người dùng không hề giảm, dù hàng không có thuế. Do đó tôi cho rằng bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống là rất cần thiết, vừa đảm bảo sân chơi công bằng cho DN nội địa và vừa chống thất thu thuế.
Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng viện công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII:
Ứng dụng AI vào quản lý thuế
Nghiên cứu cho thấy có tới 65% cơ quan quản lý thuế trên thế giới đã và đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong công việc hàng ngày để thực hiện các dịch vụ như tự động hóa quy trình, nâng cao dịch vụ người nộp thuế, phát hiện gian lận thuế. Hay các hoạt động về khai thác, phân tích dữ liệu, tư vấn thuế, quản lý rủi ro trong giao dịch, hoàn thuế...
Hiện nay Tổng cục Thuế cũng đang thí điểm trợ lý ảo AI tại Hà Nội, để giải quyết các vấn đề về thuế, cũng như chống gian lận thuế.
Tôi cho rằng nên đưa AI sâu rộng hơn trong vấn đề quản lý thuế, nhất là ứng dụng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại điện tử, để theo dõi người nộp thuế tham gia vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến. Từ đó đảm bảo tính chính xác và cải thiện độ tuân thủ của người dân.
Dù vậy, để đưa ứng dụng AI vào việc quản lý thuế được hiệu quả, tôi cho rằng cần xây dựng khung pháp lý như ban hành các văn bản pháp lý, khung khổ cho việc quản lý rủi ro bằng AI.
Đồng thời xây dựng hệ thống quy trình trong quản lý rủi ro, rà soát thông tin rủi ro, quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin. Cùng với đó cần nâng cao năng lực cán bộ bằng cách đào tạo phát triển cán bộ có kiến thức và kỹ năng về AI, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến...
Đang triển khai các bước bãi bỏ quyết định miễn thuế hàng ngoại nhập giá rẻ
Mới đây, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua (ngày 20-12), ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết Bộ đã triển khai các bước theo đúng trình tự thủ tục để chấm dứt hiệu lực của quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 4-12, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về bãi bỏ quyết định 78/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Đến ngày 12-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định về việc bãi bỏ quyết định trên theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Theo ông Lưu Đức Huy, hiện tại, Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn tất thủ tục theo đúng trình tự, thủ tục ban hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hủy bỏ quyết định 78/2010 quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) trở xuống.