LTS: Theo quy định hiện hành, việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) gắn với miễn thuế nhập khẩu được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy định này cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời với việc miễn thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Đây là nguồn thu ngân sách không nhỏ đang bị bỏ ngỏ, đồng thời, tạo ra sự bất bình đẳng về thuế giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ, phát triển mạnh mẽ, vì vậy việc miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam, đè bẹp hàng trong nước.
Không chỉ vậy, có tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế này bằng cách xé nhỏ đơn hàng, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách nhà nước, làm méo mó thị trường cạnh tranh.
Hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng
Chị Mai Ngọc, 32 tuổi, một nhân viên văn phòng (quận 3, TP.HCM) cho biết, gần đây chị rất hay mua sắm trên các sàn TMĐT như Shopee, TikTok Shop.
"Mới đây tôi đặt một bộ dụng cụ nhà bếp từ Trung Quốc, giá chỉ 250.000 đồng. Tôi được biết món hàng này được lấy từ một kho gần biên giới Việt Nam- Trung Quốc gửi về TP.HCM trong vòng 5 ngày, mà không cần trả thêm bất kỳ khoản thuế nào" - chị Ngọc nói.
Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyến hàng của chị Mai bắt đầu từ một kho lớn ở Quảng Đông, Trung Quốc, được tập kết tại các tổng kho gần biên giới Việt Nam. Tại đây, những đơn hàng hóa giá trị nhỏ lẻ như bộ dụng cụ nhà bếp của chị Mai sẽ được đóng gói lại và chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Anh Đức Anh, 26 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM, cũng chia sẻ về trải nghiệm mua sắm hàng nước ngoài trên Shopee: "Tôi đặt một chiếc áo thể thao giá 300.000 đồng. Từ khi đặt hàng đến lúc nhận hàng chỉ mất 4 ngày. Tôi rất bất ngờ khi không cần trả thêm bất kỳ khoản thuế hay phí nào ngoài tiền hàng và phí vận chuyển nội địa."
Với sự bùng nổ của TMĐT, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Thống kê từ cơ quan chức năng đã chỉ ra, hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT, giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không thu được thuế.
Đường đi của hàng nhập khẩu nhưng thuế 0 đồng
Theo các đơn vị kinh doanh, TMĐT, trong đó có TMĐT xuyên biên giới, đã giúp cho việc kinh doanh mua - bán quốc tế trở nên dễ dàng, nhất là chuyện thông quan, chi phí thuế, hải quan...
Vào hồi đầu tháng 11 vừa qua, Temu - nền tảng bán hàng giá rẻ của Trung Quốc, dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi, "câu" người dùng trong nước. Sàn này liên tục thay đổi các chính sách về quy định giá tiền trong mỗi lần mua hàng, đáng chú ý là sự thay đổi về quy định chỉ cho phép khách chốt mỗi đơn hàng từ 900.000 đến một triệu đồng.
Cụ thể, trên ứng dụng, Temu quy định mỗi đơn hàng phải có giá trị tối thiểu 887.000 đồng và tối đa 1 triệu đồng. Họ giải thích rằng quy định giá trị tối thiểu giúp "cung cấp nhiều mặt hàng hơn với giá thấp hơn" và "ngăn ngừa lãng phí bao bì", nhưng lại không nói rõ lý do phải đặt ra giới hạn tối đa 1 triệu đồng.
Dù vậy, theo các chuyên gia, sự thay đổi này có liên quan mật thiết tới Quyết định của Chính phủ từ 2010, hàng dưới 1 triệu đồng bán qua các sàn online xuyên biên giới được miễn thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chiêu lách thuế, trước áp lực các nhà quản lý đang làm việc với nền tảng trên.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn T., giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics cho biết, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, việc chia nhỏ đơn hàng để tránh thuế đã trở thành một chiến lược kinh doanh.
Theo đó, đơn hàng đặt mua trên sàn online sẽ được đóng gói từ tổng kho hàng sát biên giới, chia thành nhiều đơn hàng nhỏ theo từng sản phẩm, hoặc nhiều sản phẩm nhưng sao cho giá trị mỗi đơn dưới 1 triệu đồng.
"Cách làm này không vi phạm quy định, nhưng giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí thuế. Vì theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ, quy định miễn thuế áp dụng cho hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh" - ông T. chia sẻ.
Ngoài việc chia nhỏ đơn hàng, ông Phan Đình Tuấn, Giám đốc của một doanh nghiệp kinh doanh trên TMĐT cho biết hiện nay, việc nhập khẩu số lượng lớn (dạng sỉ) đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều lần, nhờ vào các ứng dụng mua hàng xuyên biên giới, nhất là ứng dụng mua hộ.
"Muốn lấy hàng từ nước ngoài về Việt Nam quá dễ, không cần qua biên giới để mua đồ, chỉ cần ngồi một chỗ, bật điện thoại vào các ứng dụng mua hàng xuyên biên giới, bạn có thể mua một trăm, một nghìn hay hàng triệu sản phẩm cũng được. Khi mua qua các ứng dụng này, người mua không cần phải thực hiện các thủ tục nhập khẩu như đối với hàng nhập khẩu qua cảng, bởi giá trị của món hàng được chia theo từng mã, rất rẻ" - ông Tuấn nói.
Bãi bỏ quy định miễn thuế hàng giá trị nhỏ càng sớm càng tốt để tạo môi trường kinh doanh công bằng
Thất thoát thuế từ những món hàng giá trị nhỏ
Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế VAT đầy đủ, trong khi hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh lại được miễn là không công bằng, không hợp lý, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng. Đặc biệt dù giá trị đơn hàng nhỏ, nhưng tổng số tiền mà các hàng hóa được miễn thuế này là rất lớn, vì vậy cần đưa vào quản lý thuế. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, dẫn số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có khoảng 1,3 tỉ - 1,9 tỉ USD hàng hóa giá trị nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế.
Cơ chế chính sách của chúng ta không còn phù hợp. Hàng hóa trong nước bị điều tiết bởi thuế, trong khi hàng hóa nhập khẩu qua sàn giá trị nhỏ lại không chịu loại thuế này là bất hợp lý. Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát thuế là rất lớn. Vì thế, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ.
"Năm 2010, bằng Quyết định 78, chúng ta không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến bây giờ, thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó. Nói cách khác chúng ta cần bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm đảm bảo công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước và tránh thất thu ngân sách", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nhiều nước đã thay đổi chính sách thuế với hàng hóa giá trị nhỏ
Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa có giá trị dưới 22 euro. Nước Anh cũng đã áp thuế với những mặt hàng có giá trị 135 bảng Anh, thay vì miễn thuế như trước đây. Còn tại Thái Lan, tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải chịu thuế suất 7%, bất kể giá trị lớn hay nhỏ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh