Theo ông Phu, kể từ khi phát hiện trường hợp trẻ bị chứng đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika tại tỉnh Đắk Lắk, đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Trong năm 2016, cơ quan chức năng đã lấy gần 4.700 mẫu bệnh phẩm của những người nghi nhiễm virus Zika để xét nghiệm, qua đó phát hiện 212 trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 186 trường hợp tại TP.HCM.
Các tỉnh, thành còn lại mỗi địa phương chỉ có 1-7 trường hợp gồm: Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Bình Phước. Riêng khu vực miền Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika.
Ông Phu nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa đến các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, vì có thể gây nên chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Hiện nay ngành y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới nghiên cứu sâu hơn về tỉ lệ nhiễm virus Zika ở phụ nữ mang thai và chứng đầu nhỏ tại Việt Nam.
Ông Phu khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika. Nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được tư vấn, khám thai định kỳ.
Phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika.
Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sinh sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.