Một thực tế hiện nay là nguồn vốn cho nuôi cá tra rất lớn, nguồn vốn tự có của đa phần người nuôi không có đủ nên phải vay ngân hàng. Trong khi đi vay thì rủi ro cao mà tỉ suất lợi nhuận thấp nên người nuôi chưa mặn mà. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, giá tăng chỉ là tức thời do thiếu nguyên liệu. Những thông tin về giá cả tăng không sáng sủa, không có lợi người nuôi. Người nuôi vẫn lo âu vì đang đối mặt với tình trạng thức ăn tăng quá cao, con giống và các chi phí đầu tư cho con cá đều tăng.
Người nuôi khát vốn, chuyển nghề
Hiện nay người nuôi cá tra đang đắn đo, phân vân chuyện đầu tư vì sợ lặp lại khủng hoảng thừa như cách nay 2-3 năm khiến giá cá rớt thê thảm. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện các hộ nuôi quy mô nhỏ đã không còn khả năng tái đầu tư, tạm thời không nuôi tiếp nên bỏ ao trống hoặc chuyển sang ương cá tra giống, lấp ao làm rẫy hoặc thả nuôi loài cá khác. Với những hộ nuôi có quy mô lớn do thời điểm đầu năm 2010 đến giữa năm giá cá ở mức thấp nên lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận nên chỉ nuôi cầm chừng, chờ đợi thị trường ổn định mới tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Lê Nam Hoàng, cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), người gắn bó với con cá tra trên 10 năm, cho biết: “Hơn 10 năm nay, tôi nuôi hơn 2 ha cá tra. Nhưng đến tháng 10-2010, tôi cũng chịu hết xiết vì giá cả và nhiều khó khăn khác nên đã quyết định không thả tiếp mà đầu tư nuôi cá rô. Bỏ nghề cũng tiếc nhưng sợ rủi ro nên đành phải chuyển đổi. Sau này sẽ xem xét tình hình để đầu tư lại nếu giá ổn định, thị trường tốt và có được nguồn vốn”. Cũng theo ông Hoàng, hiện nay việc vay vốn rất khó, ngân hàng chỉ ưu tiên người nuôi là khách hàng cũ, trả nợ tốt thì cho vay tiếp, chứ khách hàng mới vay để đầu tư nuôi cá tra đều bị bác đơn.
Cá tra được giá, vui nhưng nỗi lo tuột giá vẫn còn đó. Ảnh: DĐDN
Cũng ở Tân Lộc, ông Huỳnh Thanh Hiền nuôi cá tra gần 10 năm nhưng giờ không đeo đuổi nổi đành cải tạo ao nuôi cá tra để trồng mận, rau màu và làm lúa. Và ở cù lao Tân Lộc - được xem là cù lao tỉ phú nhờ con cá tra, thế nhưng hiện nay nhiều hộ thua lỗ đành chuyển nghề, treo ao hoặc có nuôi cũng cầm chừng chờ thời.
Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, TP Cần Thơ, nếu sản xuất ra 1 kg cá, phải đầu tư 21.000-22.000 đồng thì giá thành tăng đáng kể so với năm 2010. Một thực tế khác là hiện hộ nuôi nhỏ lẻ không đủ khả năng tái đầu tư nữa, tất cả vốn đều vay ngân hàng, mà lãi suất cao như hiện nay thì không người dân nào dám vay. Trong khi toàn vùng ĐBSCL chỉ vài doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư cho người dân. Ông Hải nói: “Giá cá hiện 23.000 đồng/kg, nhà máy có công suất 100 tấn/ngày phải có 2,3 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu, nhân lên với số ngày trong một tháng, doanh nghiệp phải có 60 tỉ đồng vốn. Trước giờ, doanh nghiệp toàn mua chịu của người dân, giờ dân không có vốn tái đầu tư và nếu có đầu tư thì cũng không thể bán chịu cho doanh nghiệp nữa”.
Giá thức ăn “giết” người nuôi
Từ đầu năm 2010 đến nay, giá thức ăn tăng tám lần. Theo các cơ sở sản xuất, nguyên nhân là do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn trên thị trường thế giới, thuế nhập khẩu, tỉ giá ngoại tệ so với VNĐ, giá điện và than tăng. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính thì thuế nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thức ăn đều ở mức 0%. Toàn bộ số thuế giá trị gia tăng đầu vào doanh nghiệp được hoàn lại theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản ở Chợ Mới, An Giang, cho biết giá cá hiện nay ai cũng cho rằng cao, người nuôi có lãi nhưng thực chất chẳng lãi bao nhiêu vì chi phí thức ăn đang tăng chóng mặt. Ông và những thành viên trong HTX nuôi cầm chừng để duy trì cũng như đảm bảo việc trả lãi ngân hàng. “Nếu không nuôi nữa thì ngân hàng sẽ siết nợ ngay” - ông Đức bày tỏ.
Theo ông Đức, cái khó hiện nay mà người nuôi cần được hỗ trợ là vốn để đầu tư và Nhà nước phải có biện pháp để kiểm soát giá thức ăn đầu vào, không để tình trạng giá thức ăn tăng liên tục, bất thường như hiện nay.
Còn ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng giá thức ăn tăng mãi không ai làm gì được và cứ tăng như thời gian vừa qua là chết người nuôi. Phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn và giá thức ăn. “Kiểm soát để đảm bảo chất lượng và có tăng thì tăng mức hợp lý” - ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Dương Việt Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (SOUTHVINA), cho rằng người nuôi cá lời hay lỗ là do các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn quyết định vì chi phí thức ăn chiếm 60%-70% tổng chi phí đầu tư. Cứ giá cá nguyên liệu tăng thì giá thức ăn lại tăng theo. Muốn người nuôi có lời và đầu tư trở lại thì ngoài vấn đề giải quyết nguồn vốn, phải làm sao quản lý, kiểm soát giá thức ăn cho hợp lý.
Thức ăn chăn nuôi tăng tám lần/năm Trong năm 2010, giá thức ăn tăng tám lần, đặc biệt chỉ quý IV-2010 tăng bốn lần. Tăng như vậy có đảm bảo không? Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến để Bộ Tài chính phối hợp xem xét vấn đề này để có giải pháp. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT VŨ VĂN TÁM Không được bỏ mặc người nuôi Hiện nay chúng ta quan tâm đến VASEP nhiều và chưa gắn kết mối liên kết bốn nhà (người nuôi, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước). Nếu chưa thực hiện được thì ít nhất phải liên kết hai nhà doanh nghiệp và người nuôi. Thời gian qua, doanh nghiệp đứng trên lưng người nuôi khiến họ chịu không nổi. Điều chỉnh lại liên kết để có quan hệ công bằng, không bỏ mặc người nuôi lỗ, tự gánh chịu. Làm như vậy là lãng phí tài nguyên của chúng ta. Ông PHẠM VĂN QUỲNH, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ |
GIA TUỆ
Kỳ tới: Đưa cá tra thành hàng công nghiệp