Các bên liên quan nói về tượng phật khổng lồ tại Đà Nẵng

(PLO)- Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định vị trí xây dựng tượng phật khổng lồ không nằm trong diện tích mỏ đá được cấp phép cho Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa khai thác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan tượng phật khổng lồ trong mỏ đá gây xôn xao dư luận thời gian qua tại Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có thông tin phản hồi.

Video: Các bên liên quan nói về tượng phật khổng lồ tại Đà Nẵng.

Cụ thể, năm 2013, Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng kiến nghị TP đề xuất Quân khu 5 bố trí một phần diện tích đất thuộc mỏ đá Đà Sơn A và Đà Sơn mở rộng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để làm Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn.

tượng phật khổng lồ đà nẵng
Tượng phật khổng lồ cao 65 m, xây dựng trên diện tích 1.800 m2, nằm trong Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn do Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa làm chủ đầu tư. Ảnh: TẤN VIỆT

Sau khi Quân khu 5 đồng ý, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất theo đề nghị của Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa và giao công ty lập đề án đầu tư xây dựng khu văn hóa tâm linh. Trong đó, riêng vị trí xây dựng tượng Bổn sư thích ca mâu ni phật là 1.800 m2, cao 65 m.

Ngày 30-12-2014, Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500. Sở Xây dựng cấp phép xây dựng năm 2016 trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở VH&TT, Ban Tôn giáo, Bộ Chỉ huy quân sự TP.

PV cũng đã đặt câu hỏi cho Sở TN&MT Đà Nẵng rằng phải chăng chủ mỏ đá “hô biến” thành khu tâm linh, làm tượng phật khổng lồ nhằm tránh nghĩa vụ hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định sau khi kết thúc khai thác mỏ?

Phó giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Hồng An khẳng định, vị trí xây dựng tượng phật khổng lồ không nằm trong diện tích bốn khu vực mỏ là Đà Sơn A, Đà Sơn 2, phía Nam Đà Sơn II và phần mở rộng mỏ Đà Sơn đã được UBND TP cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa.

tuong-phat-khong-lo-da-nang-1.jpg
Vị trí xây dựng tượng phật khổng lồ không nằm trong diện tích bốn khu vực mỏ do Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa khai thác. Ảnh: TẤN VIỆT

Bốn mỏ đá này kết thúc khai thác từ cuối năm 2020. Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa đã lập và nộp đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho Sở TN&MT thẩm định làm cơ sở để cải tạo, phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, đề án đóng cửa mỏ này chưa được phê duyệt do TP đang rà soát, xác định độ cao hoàn thổ khu vực các mỏ đã kết thúc khai thác nhằm tạo ra mặt bằng để phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của UBND TP sau khi quy hoạch các phân khu được phê duyệt (Quy hoạch phân khu Trung tâm Lõi Xanh).

“Sau khi phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tính toán được các cao độ hoàn thổ phù hợp tại các khu vực này, Sở TN&MT sẽ yêu cầu các công ty thực hiện chỉnh sửa đề án đóng cửa mỏ đã lập và nộp lại cho Sở TN&MT thẩm định, trình UBND TP phê duyệt để cải tạo, phục hồi môi trường”, ông An cho hay.

tuong-phat-khong-lo-da-nang-2.jpg
Tượng phật khổng lồ thi công từ năm 2018, dự kiến từ 3-4 năm nữa mới hoàn thành. Ảnh: TẤN VIỆT

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Phụng, Phó giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Hòa cho hay, tượng phật khổng lồ thi công từ năm 2018, dự kiến từ 3-4 năm nữa mới hoàn thành.

“Mình làm khu văn hóa tâm linh xong sẽ bàn giao cho Nhà nước chứ không kinh doanh du lịch. Mong muốn của công ty là vậy, không kinh doanh trên phật pháp, làm để bà con tới hương khói thôi”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, công ty nhận thấy khối đá lớn tại đây rất đẹp nên mới xin tạc tượng phật. Còn về công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác, ông Phụng cho hay TP chưa có cốt nền để hoàn thổ tất cả mỏ đá chứ không riêng gì các mỏ do công ty khai thác.

“Hơn nữa trước khi khai thác mỏ, công ty phải cược tiền cho TP theo quy định tùy vào kích thước mỏ, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Sau này chủ doanh nghiệp không hoàn thổ thì TP lấy tiền đó làm, chứ đâu phải chúng tôi phủi tay”, ông Phụng cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm