Các bệnh viện oải với công văn 'đùng một cái' của Bộ Y tế

(PLO)- Công văn “đùng một cái” của Bộ Y tế ban hành cách nhau 3 ngày khiến nhiều bệnh viện công như đang ngồi trên đống lửa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4-2018, Bộ Y tế ban hành công văn 2009 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt của những công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Mục đích để các bệnh viện (BV) thực hiện dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu chuyện môn, phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT).

Tuy nhiên tới ngày 9-5-2022, Bộ Y tế ra công văn 2348 có nội dung bãi bỏ công văn 2009. Ngay khi nhận được công văn 2348, nhiều BV đã có ý kiến gửi tới Bộ Y tế.

Sẽ phải tạm dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh

Trong công văn gửi Bộ Y tế, BV K trình bày như sau: BV K là BV tuyến cuối, chuyên ngành ung bướu, trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động với 3 cơ sở (Quán Sứ - Phan Chu Trinh, Tam Hiệp và Tân Triều), chỉ tiêu kế hoạch 2.400 giường bệnh.

Mỗi năm, BV tiếp đón gần 500.000 lượt người bệnh đến khám và 50.000 người bệnh điều trị (trước đại dịch COVID-19). Trong đó, người bệnh có thẻ BHYT chiếm 30% lượt khám và 96% số người điều trị.

Việc sử dụng các máy đặt theo hợp đồng cung cấp hóa chất trúng thầu giúp vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước (do vật tư, hóa chất được đấu thẩu công khai, minh bạch, đơn vị sử dụng không phải đầu tư mua sắm thiết bị và giá dịch vụ tuân thủ theo khung giá khám chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành), vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các bệnh viện oải với công văn 'đùng một cái' của Bộ Y tế ảnh 1

Hầu hết máy móc xét nghiệm của các bệnh viện là mượn, đặt từ những công ty trúng thầu. Ảnh: BVCC

Trên thực tế, nhu cầu trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là xét nghiệm huyết học, vi sinh, sinh hóa, miễn dịch, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử… rất lớn. Trước khi đại dịch COVID -19 xảy ra, mỗi năm BV K thực hiện 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học - vi sinh, 35.000 xét nghiệm hóa mô miễn dịch và 10.000 xét nghiệm sinh học phân tử. Hiện nay, đa số các thiết bị thực hiện những kỹ thuật xét nghiệm tại BV là mượn, đặt. Các xét nghiệm đều thiết yếu và chuyên sâu trong từng chuyên khoa và hầu hết được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thanh toán.

Nếu dừng việc thanh toán chi phi khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt sẽ khiến không chỉ BV K mà các BV khác gặp khó khăn. Thậm chí phải tạm dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến xét nghiệm đang thực hiện bởi các máy mượn, máy đặt, đồng thời quyền lợi của người bệnh BHYT cũng bị ảnh hưởng và BV cũng không có kinh phi chi trả cho xét nghiệm nếu BHYT không thanh toán.

Do vậy, để đảm bảo phục vụ hoạt động thường xuyên của BV cũng như quyền lợi của người bệnh BHYT, BV K đề xuất Bộ Y tế một số nội dung:

Một là, có thời gian chuyển đổi ít nhất 6 tháng để các BV có kế hoạch và triển khai đầu tư, mua sắm hoặc thuê trang thiết bị xét nghiệm đảm bảo công tác chuyên môn phục vụ người bệnh. Trong thời gian chuyển đổi, tiếp tục được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt.

Hai là, tổ chức cuộc họp do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì với BHXH Việt Nam cùng đơn vị tham mưu và các BV để bàn bạc và thống nhất lộ trình. Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp khắc phục các tồn tại, khó khăn nếu dừng việc thanh toán chi phi khám BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt.

Quyền lời người tham gia BHYT không được đảm bảo

Tương tự, BV Trung ương Huế cũng có công văn đề nghị Bộ Y tế xem xét bãi bỏ công văn số 2009 với các lý do sau:

Một là, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư cho BV còn hạn hẹp, nguồn thu sự nghiệp còn hạn chế, do vậy hiện nay một số máy xét nghiệm, chẩn đoán tại BV được thực hiện theo phương thức “Đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt máy theo kết quả lựa chọn nhà thầu”.

Hai là, cần có lộ trình thời gian (từ 6-12 tháng) để BV chuyển hình thức từ mượn hoặc đặt máy sang hình thức thuê máy theo Nghị định 151/2017 ngày 26-12-2017 của Chính phủ vả theo phân cấp của Bộ Y tế.

Ba là, việc bãi bỏ công văn số 2009 có nguy cơ cơ BHXH không thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên các máy đặt hoặc máy mượn. Điều này dẫn đến BV sẽ thất thu một khoản tiền lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của BV cũng như thu nhập của cán bộ, viên chức hoặc bệnh nhân phải chỉ trả do BHYT không thanh toán. Trường hợp bệnh nhân không đồng ý chi trả thì buộc phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán, điều trị và quyền lợi của người tham gia BHYT không được đảm bảo theo quy định.

Bốn là, việc mua máy xét nghiệm, chẩn đoán cần đầu tư với số tiền rất lớn. Tuy nhiên lại rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí máy móc, thiết bị khi vật tư, hóa chất kèm máy không trúng thầu.

Trong khi các kiến nghị của nhiều BV chưa được Bộ Y tế xem xét, phản hồi thì ngày 12-5-2022, BHXH Việt Nam ban hành công văn 1261, đề nghị BHXH các tỉnh, TP dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các máy đặt, máy mượn từ ngày 9-5-2022.

Báo cáo tình hình máy đặt, máy mượn trên địa bàn tỉnh, TP đang sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân BHYT đến ngày 9-5-2022.

Công văn của BHXH Việt Nam một lần nữa khiến không ít BV công lo lắng vì ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động khám chữa bệnh của BV và quyền lợi của bệnh nhân BHYT.

Sở Y tế TP.HCM nói gì?

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi công văn 2348 của Bộ Y tế và công văn 1261 của BHXH Việt Nam ban hành, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Do vậy, Sở Y tế và BHXH TP.HCM đã họp và thống nhất đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền.

Trong trường hợp phải dừng thanh toán, cần có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM có đủ thời gian chuẩn bị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm