Ngày 28-2, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt.
10 bị cáo nguyên là cán bộ NaviBank gồm: Nguyên tổng giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên phó tổng giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và sáu người nguyên là trưởng các phòng, ban. Các bị cáo bị truy tố theo khoản 3 Điều 165 BLHS có mức hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
Các lãnh đạo NaviBank vi phạm gì?
Theo hồ sơ, từ chủ trương cấp tín dụng trái pháp luật cho các nhân viên gửi tiền vào VietinBank để lấy lãi suất vượt trần và quyết định cho gửi tiền trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại 200 tỉ đồng của NaviBank. Đó là việc Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh (CN) TP.HCM) chiếm đoạt số tiền này. Một số bị cáo cho rằng không có trách nhiệm liên quan đến việc chuyển tiền vào VietinBank CN TP.HCM. Nhưng lời khai này không có cơ sở, bởi khi quyết định gửi tiền vào VietinBank các bị cáo đã bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Cơ quan tố tụng cho là việc các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng (HĐTD) NaviBank phê duyệt cấp tín dụng cho các nhân viên vay tiền với mục đích “tiêu dùng” là hình thức che giấu việc NaviBank gửi tiền vào VietinBank lấy lãi suất cao. Đây là hành vi làm trái các quy định về cho vay.
Cụ thể, trong biên bản họp HĐTD, tài sản đảm bảo việc cho nhân viên vay là hợp đồng tiền gửi của các nhân viên này gửi tại VietinBank CN Nhà Bè. Trên thực tế, các hợp đồng tiền gửi này chỉ được hình thành sau khi có biên bản họp HĐTD phê duyệt. Khi HĐTD phê duyệt cho vay, tài khoản của các nhân viên tại VietinBank CN Nhà Bè chưa có tiền nên không có việc yêu cầu thực hiện phong tỏa số tiền gửi của các nhân viên này tại VietinBank CN Nhà Bè. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản 14 nhân viên mở tại VietinBank CN Nhà Bè, các nhân viên này ký hợp đồng gửi tiền với ngân hàng này bằng đúng số tiền mà HĐTD đã phê duyệt và giải ngân. NaviBank dùng chính hợp đồng tiền gửi đó làm tài sản đảm bảo.
Chỉ đứng tên giùm?
Các nhân viên NaviBank khai nhận họ không có tiền gửi tại VietinBank CN Nhà Bè và chỉ đứng tên hộ NaviBank gửi tiền vào VietinBank. Họ chỉ ký các thủ tục gửi tiền trên giấy tờ, không có trách nhiệm quản lý tài khoản nên Huyền Như đã chuyển tiền ra khỏi tài khoản đứng tên các nhân viên NaviBank để sử dụng cho mục đích cá nhân.
Đồng thời hồ sơ NaviBank cho 14 nhân viên vay tiền là hồ sơ khống. Tất cả đều không có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương án phục vụ đời sống khả thi và có hiệu quả, không có phương án sử dụng vốn vay. Lãi suất NaviBank cho 14 nhân viên vay thể hiện trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ...
Việc các bị can phê duyệt cấp tín dụng cho các nhân viên NaviBank vay tiền nêu trên đã vi phạm quy định cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm tối đa không được vượt quá 90% giá trị các khoản tiền gửi dùng làm tài sản cầm cố. Ngoài ra còn vi phạm về điều kiện vay vốn của luật định. Khi Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần (14%/năm) có hiệu lực, các bị can vẫn tiếp tục họp HĐTD, quyết định và thực hiện chuyển tiền của NaviBank gửi vào VietinBank để lấy lãi suất cao vượt trần 8%-8,5%/năm, che đậy dưới hình thức thỏa thuận trả ngoài hợp đồng tiền gửi.
Không liên quan Huyền Như?
Cũng theo hồ sơ, các bị can thỏa thuận với cá nhân Võ Anh Tuấn, Huyền Như để đem tiền của NaviBank đi gửi lấy lãi suất cao vượt trần huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định; biến tướng dưới hình thức cho nhân viên vay “tiêu dùng”. Đây là hành vi làm trái các quy định về quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả bị lừa, gây thiệt hại cho NaviBank 200 tỉ đồng.
Phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Đoàn Đăng Luật (nguyên trưởng phòng Nguồn vốn, NaviBank) kêu oan, không đồng ý với cáo trạng. Trong khi bị cáo này là người thỏa thuận với Huyền Như về việc đem tiền của NaviBank gửi qua VietinBank để lấy lãi suất cao. Theo lời khai, lãi suất ngoài do người khác mang qua trụ sở ngân hàng do Anh Tuấn nói là nhân viên VietinBank CN Nhà Bè.
Bị cáo Luật nói thấy “khó chịu” về việc bị cơ quan tố tụng nói mình bị Huyền Như “dẫn dụ”. Vì bị cáo chỉ làm việc với Anh Tuấn với tư cách là người của VietinBank CN Nhà Bè, không có mối quan hệ, cuộc gọi nào với Như.
Còn bị cáo Trí với tư cách người đứng đầu ngân hàng cũng cho rằng mình bị oan. Theo ông Trí, quá trình điều hành quản lý có thể có thiếu sót nhưng không gây hậu quả nên không đồng ý với cáo buộc. Ông Trí cũng khẳng định việc cho nhân viên vay lãi cao để họ lấy tiền gửi vào VietinBank lấy lãi suất thấp hơn là không vô lý. Ông Trí lý giải biết có lãi suất ngoài theo lời chào mời huy động vốn của VietinBank.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, nhiều luật sư cho rằng cần triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp giám sát quá trình điều tra đến phiên xử vì cáo trạng và kết luận điều tra có mâu thuẫn. Thêm vào đó, luật sư chưa đồng tình tư cách tham gia tố tụng của một số người và đơn vị liên quan...
Sau khi hội ý, HĐXX đã công bố lời khai của đại diện Ngân hàng Quốc Dân trong giai đoạn điều tra và xác định đơn vị này có thêm tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý với việc yêu cầu hoãn xử của các luật sư. Theo HĐXX, yêu cầu của các luật sư cần được xem xét, quyết định thông qua tranh tụng tại phiên xử để làm rõ, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Một bị cáo có tới 13 luật sư bào chữa Tất cả bị cáo trong vụ án đều tự mời luật sư bảo vệ cho mình. Cá biệt, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên trưởng phòng Pháp chế, thành viên HĐTD NaviBank) có tới 13 luật sư bào chữa. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp một luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo. Hai bị án Huyền Như và Võ Anh Tuấn bị trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng. Ngoài ra, 11 cá nhân liên quan khác cũng bị triệu tập, trong đó đáng chú ý có nguyên giám đốc VietinBank CN TP.HCM nhưng vắng mặt... |