Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng, có thể chia thành hai nhóm là biến chứng cấp tính có thể đe dọa tính mạng người bệnh và biến chứng xa làm suy yếu sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ.

Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính dẫn đến các hậu quả sau:

- Hôn mê do đường máu lên quá cao:

Khi đường trong máu lên đến 500 mg/dl thì có thể gây ra hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường xảy ra khi người bệnh gặp căng thẳng về tinh thần như buồn bực, âu lo hay khi có những bệnh nhiễm trùng đi kèm, mặc dù vẫn đang dùng thuốc đều đặn mỗi ngày. Thông thường khi đường huyết lên cao người bệnh sẽ có các dấu hiệu như ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đi tiểu nhiều.

- Hôn mê do đường máu xuống quá thấp: 

Ngược lại, khi đường trong máu xuống quá thấp cũng gây hôn mê. Trường hợp này thường gặp bởi những nguyên nhân như dùng thuốc quá liều, quên cả ăn hoặc có hôm hăng quá, vận động hơi nhiều. Khi bị hạ đường huyết, người bệnh có cảm giác đói vã mồ hôi, tay chân lạnh và run. Nếu đường quá thấp sẽ làm người bệnh có những hành vi khác thường rồi hôn mê. 

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường ảnh 1

Nếu người bệnh đái tháo đường không có ý thức tránh xa rượu, bia, thuốc lá… thì rủi ro mắc các biến chứng càng cao.

Các biến chứng xa

Biến chứng xa gồm có nhiều loại như sau:

- Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường sẽ làm tổn thương các mạch máu nên dẫn tới bệnh lý ở nhiều cơ quan khác nhau. Nếu tổn thương các mạch máu ngoại biên sẽ làm cho việc dẫn máu nuôi tay, chân bị tắc nghẽn gây ra chứng đau các bắp thịt chân khi đi đứng, chứng hoại tử ngón chân, bàn chân. Nếu tổn thương mạch máu dẫn máu đến cơ quan sinh dục sẽ gây ra chứng bất lực ở nam giới.

- Biến chứng ở mắt: Bệnh đái tháo đường thường gây tổn thương võng mạc vì các mạch máu đến nuôi võng mạc đã bị tổn thương. Do đó, nếu võng mạc tổn thương nặng sẽ làm người bệnh đái tháo đường nhìn không rõ và dần dà dẫn đến mù lòa. Ngoài biến chứng gây tổn thương võng mạc, bệnh đái tháo đường còn gây ra bệnh tăng nhãn áp hay còn gọi là glaucoma, đục thủy tinh thể.

- Biến chứng suy thận: Suy thận là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Suy thận thường xảy ra khoảng sau 12 năm mắc bệnh đái tháo đường và nếu người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp đi kèm thì suy thận càng tiến triển nhanh hơn. Điều trị đái tháo đường ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết còn nhằm mục đích làm chậm tiến triển của suy thận. Nếu người bệnh đái tháo đường có kèm theo bệnh tăng huyết áp thì cần phải phối hợp thật tốt trong việc điều trị huyết áp và đái tháo đường vì có một số thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường.

- Các tổn thương ở hệ thần kinh: Đái tháo đường làm tổn thương hệ thần kinh, mặc dù với những tổn thương này tuy không thực sự nguy hiểm nhưng làm người bệnh khó chịu như: Thường xuyên bị tê và đau ở tay hay chân, có cảm giác đau sâu trong xương; liệt bàn chân, bàn tay, không nhấc bàn chân, bàn tay lên được hoặc mắt tự nhiên lé; thường xuyên gặp phải các dấu hiệu về tiêu hóa như khó nuốt, đầy hơi sau khi ăn, táo bón hoặc tiêu chảy mà đặc biệt bệnh tiêu chảy thường hay xảy ra vào ban đêm; bị chóng mặt, có khi ngất xỉu; có cảm giác mắc tiểu nhưng khi đi tiểu thì không có nước tiểu; gây bệnh bất lực ở nam giới.

- Các vết loét và nhiễm trùng ở chân: Các dây thần kinh cảm giác ngoại biên bị tổn thương nên người bệnh đái tháo đường mất cảm giác khi bị vật lạ đâm vào hay giày không vừa chân cũng hay làm bỏng phồng, trầy lở da chân, gây ra các vết loét. Các vết loét rất lâu lành khi bị nhiễm trùng và nếu đã bị nhiễm trùng nếu nặng, có thể đưa đến tháo khớp bàn chân hay chân.

- Các biến chứng nhiễm trùng khác: Người đái tháo đường cũng dễ bị nhiễm trùng ở những nơi khác trong cơ thể, vì sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Họ rất dễ mắc các bệnh do vi trùng, nấm như bệnh lao, bệnh nấm âm đạo, bệnh viêm tai ngoài do vi trùng Pseudomonas.

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm