Các bước đối ngoại ông Biden sẽ đi trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sửa chữa nhiều chính sách lớn dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump nhằm giải quyết một loạt mối đe dọa mới với an ninh quốc gia. Có thể liệt kê một số mối đe dọa như căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, quan hệ xấu khó lường với Nga, quan hệ đồng minh rạn nứt, đến nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân,… theo tờ Foreign Policy.

Nhiều cựu quan chức cấp cao Mỹ và giới chuyên gia nhận định cùng với bối cảnh chính trị trong nước đầy chia rẽ, các mối đe dọa an ninh quốc gia đặt ra thêm nhiều thách thức cho chính quyền ông Biden.

Sẽ không đơn giản để Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) vừa thực hiện
chủ trương cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải),
vừa duy trì không gian ngoại giao với Nga. Ảnh: AP

Không “tái cài đặt” quan hệ với Nga, Trung Quốc

Ông Biden kế thừa một loạt thách thức an ninh quốc gia liên quan đến Nga. Chưa đầy hai tuần sau lễ nhậm chức của ông Biden, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn. Cáo buộc Nga tấn công an ninh mạng hơn 10 cơ quan liên bang Mỹ, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức sắp hoàn thành, vụ nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny nghi bị đầu độc và bắt giữ… cũng là các thách thức với ông Biden.

Có thể thấy ông Biden khả năng lớn sẽ duy trì lập trường cứng rắn với Nga. Hãng tin Sputnik dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 26-1, ông Biden đã nhắc tới một loạt vấn đề nóng giữa hai nước. Cụ thể: Cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng các cơ quan chính phủ và công ty Mỹ, Nga thuê Taliban giết lính Mỹ, chuyện ông Navalny, chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Ông Biden cũng đã bổ nhiệm nhiều quan chức giàu kinh nghiệm và chủ trương không nhân nhượng với Nga như bà Victoria Nuland và bà Andrea Kendall-Taylor lần lượt giữ các vị trí chủ chốt trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia. Ngoài ra, ngày 26-1 Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Antony Blinken giữ vị trí ngoại trưởng Mỹ. Điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước đó, ông Blinken cam kết sẽ giải quyết các thách thức ở các điểm nóng về ngoại giao của Mỹ, trong đó có Nga và Trung Quốc.

 

Những nỗ lực trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm kìm hãm các mối đe dọa đang gia tăng và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức vì những bất ổn trong nhiệm kỳ của ông Trump và các sự kiện ngày 6-1.

Ông BRETT BRUEN, cựu quan chức ngoại giao phụ trách các vấn đề kết nối toàn cầu thời
Tổng thống Barack Obama

Trung Quốc là điểm xuất phát của hàng loạt vấn đề mà ông Biden không thể chậm trễ xử lý: Thương chiến, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Biển Đông… Khả năng lớn ông Biden sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền ông Trump với Trung Quốc, dù ít gay gắt hơn. Chẳng hạn về thương chiến, trao đổi với tờ The New York Times tháng 12-2020, ông Biden khẳng định sẽ không sớm dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc. Điều trần trước Thượng viện hôm 19-1, ông Blinken đã nói ông tin rằng “Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”.

Ông Biden cũng sẽ chủ trương hợp tác hơn với các đồng minh trong đối phó Trung Quốc. Việc cần kíp trước mắt là duy trì và đẩy mạnh đối thoại an ninh với Bộ tứ kim cương (nhóm bốn nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc). Theo tờ The Japan Times, ông Biden có thể cũng sẽ mềm dẻo hơn trong tái cấu trúc các liên minh châu Á, kêu gọi chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng bằng tham vấn ngoại giao thay vì gây sức ép như cách ông Trump đã làm đối với Hàn Quốc và Nhật. Ông Biden phải đặc biệt tránh chủ nghĩa đơn phương và cách tiếp cận theo ý thức hệ thiếu nhất quán với Trung Quốc như ông Trump đã làm.

Chìa cành ô liu về phía châu Âu, Iran

Với chủ trương ủng hộ đa phương hóa, ông Biden chắc chắn sẽ cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Âu sau bốn năm rạn nứt dưới thời ông Trump. Dù thế, ông Biden được cho là sẽ không từ bỏ chủ trương của ông Trump kêu gọi các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

 

Chấm dứt các cuộc chiến dai dẳng

Kế hoạch của ông Biden ở Iraq và Afghanistan dựa trên nỗ lực rút quân khỏi khu vực mà ông Trump từng thúc đẩy. Giống như người tiền nhiệm, ông Biden cũng cam kết chấm dứt “các cuộc chiến dai dẳng”, ám chỉ các hoạt động quân sự tốn kém, kéo dài gần hai thập niên qua của Mỹ ở Trung Đông. 

Chính quyền ông Trump có thể tự hào rằng đã đẩy lùi được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và giáng những đòn mạnh mẽ vào tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, điều này đang đẩy chính quyền ông Biden rơi vào tình thế bấp bênh ở Trung Đông. Chẳng hạn tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn nắm quyền và được các đồng minh như Nga và Iran hậu thuẫn, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng liên quan việc Mỹ ủng hộ người Kurd chống IS.

Một thách thức lớn với ông Biden là sau bốn năm của ông Trump, nhiều nước châu Âu đã dần mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Mỹ. Một thực tế là nhiều quốc gia đã vạch lộ trình nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào sức mạnh ngoại giao, quân sự và ảnh hưởng kinh tế của Mỹ.

Vấn đề hạt nhân Iran cũng là mối đau đầu của ông Biden. Trước nay ông Biden luôn nói sẽ quay lại lộ trình ngoại giao với Iran và tham gia lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh Iran tuyên bố mình không còn ràng buộc với các nghĩa vụ trong thỏa thuận và có các bước đi khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân, việc ông Biden thực hiện lời mình nói sẽ không đơn giản.

Iran hiện sở hữu kho uranium làm giàu gấp 12 lần khối lượng được cho phép theo thỏa thuận hạt nhân, một lợi thế đáng kể cho quốc gia này trên bàn đàm phán. Thách thức với ông Biden là chìa cành ô liu thế nào để có thể đưa Iran trở lại thỏa thuận và bản thân thỏa thuận đó phải đảm bảo lợi ích của Mỹ.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm