Các đại gia đang lạc quan với thị trường bất động sản ra sao?

(PLO)- Nhiều đại gia địa ốc đang nhìn thấy những triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản khi các nút thắt lãi suất, chính sách, thủ tục đầu tư pháp lý đang dần hoạt động một cách có hiệu quả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đối diện một năm khá nhiều biến động và sự trầm lắng bao phủ trên thị trường, tuy nhiên, từ đầu năm 2024 nhiều ông chủ địa ốc bắt đầu nhìn thấy cơ hội ở phía trước.

Doanh nghiệp bất động sản lãi đến hàng trăm tỉ đồng trong quý I

Không khó để nhận thấy một điểm chung của các ông lớn này là có kết quả kinh doanh năm 2023 không rực rỡ nhưng đã có những cú tăng tốc mạnh mẽ vào cuối năm.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Công ty Nam Long cho biết trong một thời gian dài thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi niềm tin, sự thăng trầm nhưng được xem là cuộc thanh lọc, sắp xếp lại, nhất là sau thời gian tăng trưởng nóng trước đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh hợp lý khi phục vụ đúng nhu cầu thực.

Với chiến lược xây dựng bất động sản vừa túi tiền, Nam Long đã cán đích quý I-2024 với doanh số khả quan. Trong thời gian tới, thị trường vẫn có nhiều tín hiệu tốt trên nền tảng nhiều luật mới có hiệu lực sớm, mặt bằng lãi suất thấp và sự quyết tâm của Chính phủ tháo gỡ khó khăn chung cho thị trường. Đây là những yếu tố giúp Nam Long tự tin sẽ "trụ hạng" với chiến lược xây dựng phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Tương tự, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, nhận định Chính phủ đang triển khai xây dựng các chính sách pháp lý để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc cho bất động sản. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường. Hơi ấm địa ốc sẽ tốt hơn vào cuối năm 2024 và sẽ nóng lên trong năm 2025.
“Trong thời gian qua, các tập đoàn đa quốc gia liên tục đến Việt Nam tìm kiếm địa điểm đầu tư, xây dựng nhà máy. Lợi thế của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI là rất lớn vì hạ tầng giao thông tốt, các chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng phân khúc thị trường bất động sản khu công nghiệp. Là đơn vị sở hữu quỹ đất lớn, Kinh Bắc đang kỳ vọng sẽ có những thành công trong phân khúc này” – ông Đặng Thành Tâm cho biết.

Bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc điều hành Vinhomes, cho biết năm 2024 bất động sản sẽ phục hồi dù không nhanh như kỳ vọng. Bệ đỡ cho sự phát triển thị trường bất động sản vẫn là nhu cầu nhà ở rất lớn, xu hướng đô thị hóa tiếp diễn và việc đầu tư hạ tầng tại các tỉnh thành đang được đẩy mạnh.

bất động sản
Thị trường bất động sản đang được kỳ vọng có bức tranh tươi sáng hơn trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: PHƯƠNG MINH

“Với tầm nhìn này, chúng tôi đang chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới và vẫn duy trì vị thế dẫn dắt thị trường, tiến tới đạt quy mô khu vực. Trong dài hạn công ty sẽ tiến tới phát triển các đại dự án” – bà Hằng nói.

Sự lạc quan của các ông lớn địa ốc là có cơ sở vì nhiều doanh nghiệp đang lãi rất lớn trong quý I-2024. Theo thống kê của Vietstock, có đến hàng chục doanh nghiệp bất động sản có lãi ròng rất mạnh nhờ vào tiêu thụ tốt các dự án và xây dựng chiến lược hiệu quả về mặt chi phí. Nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Thách thức vẫn ở phía trước

Tuy nhiên, một thực tế là những bất cập nội tại vẫn gây nhiều thách thức cho thị trường. Trả lời cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Vương Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty Khang Điền, cho biết, năm 2023 thị trường còn nhiều khó khăn, tính thanh khoản thấp đã ảnh hưởng đến việc triển khai và xây dựng, kinh doanh các dự án. Do đó, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với mức độ rất thận trọng dựa trên tình hình thị trường vẫn còn nhiều sự biến động.

“Nguồn cung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng sẽ hồi phục, song ở mức hạn chế, đặc biệt là những dự án có sản phẩm tốt, pháp lý đảm bảo, có vị trí đẹp, tiện ích đồng bộ.”

Bà Nguyễn Thu Hằng - Giám đốc điều hành Vinhomes

Trong khi đó, tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cổ đông lớn của SCR đánh giá nhiều thương hiệu bất động sản mạnh vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền và thanh khoản. Phân khúc nhà ở cao cấp vẫn cung cao hơn cầu, chưa sớm tan băng mà chỉ có các phân khúc phục vụ nhu cầu thực mới có cơ hội.

Từ phía ngành nghề liên quan, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cho biết trong giai đoạn thị trường địa ốc "đứng hình", nhiều doanh nghiệp xây dựng đã bị phá sản theo. Có công ty chỉ hoạt động 20% công suất, một số công ty lớn mạnh, uy tín hơn và có năng lực, kinh nghiệm nhiều hơn thì hoạt động cũng chỉ từ 50 – 70% công suất. Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, áp lực đà tăng lạm phát và lãi suất sẽ là thách thức của thị trường trong thời gian tới. Lúc đó giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, cộng với chi phí vốn vay tăng làm tăng chi phí vốn của các doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân.

Để vượt qua những khó khăn này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực trong việc quản lý tài chính về dòng tiền, tính toán các dự án có giá bán phù hợp và phân bổ bài toán tài chính hợp lý.

Đừng để nhà ở bỏ hoang

Thị trường bất động sản cần thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, đặc biệt tăng mạnh nguồn cung này ở các thành phố lớn. Muốn vậy rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc này như miễn thuế quyền sử dụng đất và hạn mức tín dụng đầy đủ với lãi suất hợp lý. Đồng thời đảm bảo lợi nhuận của nhà đầu tư phát triển dự án.

Các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà. Từ đó, nhà ở xã hội mới tăng nhanh và khủng hoảng cơ cấu sản phẩm mới được khắc phục.

Trên nền tảng đó, bất động sản có mặt bằng giá mới, không bị đầu cơ. Tránh tình trạng nới lỏng tín dụng, tháo gỡ riêng cho phân khúc nhà cao cấp; không để xảy ra việc giá nhà do đầu cơ mà tăng cao, nhà mua rồi bỏ hoang trong khi người cần nhà và có khả năng thanh toán hợp lý thì không có nhà ở.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm