Nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ phù hợp với thu nhập của người dân thu nhập thấp tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 18-5.
Nhu cầu thuê nhà rất lớn
Ông Trịnh Quang Minh, Trưởng ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết làm nhà ở xã hội bán rất khó khăn về thủ tục kéo dài, giá bán cao hơn so với thu nhập của người lao động có thu nhập thấp. Quy định không hấp dẫn nhà đầu tư, lợi nhuận 10% không thu hút nhà đầu tư...
Do đó, phát triển nhà ở xã hội cho thuê sẽ hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp với thu nhập của người lao động. Hơn nữa nhu cầu thuê rất lớn, trong khi nguồn cung lại ít, khan hiếm, giá nhà cho thuê thị trường lại rất cao.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án nhà ở xã hội cho thuê, giá cho thuê nhà ở xã hội, giá cho thuê chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thị trường bên ngoài.
Như mô hình nhà ở xã hội cho thuê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có dự án nhà ở xã hội quy mô 244 căn cho thuê thí điểm ở Hà Nam. Dự án vừa đưa ra thì lượng người lao động thuê đã kín trong thời gian ngắn.
Giá cho thuê của dự án này chỉ 1,2 -1,4 triệu đồng/tháng, trong khi ở ngoài giá cho thuê 2-3 triệu đồng/tháng. Khu nhà cho thuê vừa an ninh, an toàn, nhiều tiện ích dịch vụ, công viên…
Tuy nhiên, theo ông Minh cần gỡ 3 khó khăn khi làm nhà ở xã hội cho thuê. Thứ nhất là khó về thu hút nguồn lực đầu tư, thứ hai là vị trí dự án nhà ở xã hội cho thuê, thứ ba là giá cho thuê.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng đồng tình với việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Tổng Liên đoàn Lao động rất tâm huyết với việc phát triển dự án nhà ở xã hội cho thuê.
"Tuy nhiên, giải pháp phải làm sao phát triển khu lưu trú nhà ở cho công nhân thu hút được nhà đầu tư tham gia. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế, phí, quỹ đất để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội cho thuê" - ông Trung chia sẻ.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng đề xuất thêm về thủ tục cho thuê, thuê đối với nhà ở xã hội phải đơn giản, thuận lợi, không thể rườm rà, mất thời gian thủ tục như nhà ở xã hội để bán.
Cần hành lang pháp lý thông thoáng
Là chủ đầu tư nhà ở xã hội nhiều năm nay, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Thương mại xây dựng Lê Thành ví dụ đầu tư nhà ở xã hội 1.000 căn, 1 căn bán 500 triệu đồng (giá này hiện rất khó có) thì chi phí đầu tư lên tới 500 tỉ đồng. Nếu cho thuê thì giá cho thuê 3-3,5 triệu đồng/tháng, với số lượng 1.000 căn cho thuê, thì chủ đầu tư thu về 3-3,5 tỉ đồng/tháng, 30-35 tỉ đồng/năm.
Nếu chủ đầu tư đi vay thương mại, lãi suất rất cao trên 10-13%/năm, 500 tỉ đồng phải trả lãi 50 tỉ đồng, như vậy chủ đầu tư lỗ. Do đó, cần phải có nhà nước tham gia, ưu đãi về tín dụng, thủ tục.
Hiện chủ đầu tư phải giải bài toán vừa cho thuê dài hạn 49-50 năm, đất vẫn là đất của chủ đầu tư. Hình thức thanh toán linh hoạt trả góp 7 triệu đồng/tháng, 100 tháng thì đủ 700 triệu đồng, tương ứng với giá trị căn cho thuê dài hạn.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho hay hiện nay Luật Nhà ở mới thì việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê lại chỉ được hưởng lợi nhuận bằng nhà ở xã hội bán là 10%. Theo quy định mới, nhà ở cho thuê không còn được nhà nước đầu tư kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì làm sao chủ đầu tư dám đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Do đó, nhà ở xã hội cho thuê cần có chính sách về tín dụng ưu đãi, quỹ đất và chính sách thuế cho chủ đầu tư. Đồng thời phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội bán, cho thuê. Như vậy mới có thể có nguồn cung.
Phát triển nhà ở xã hội cho thuê hiện nay rất khó. Nhà ở xã hội thuê, thuê mua, bán phải được tiếp cận gói tín dụng phù hợp như gói tín dụng nhà ở xã hội của Ngân hàng chính sách xã hội 4,8%/năm, thời gian ưu đãi lãi suất này trong 25 năm mới có thể ra được giá 800-900 triệu đồng/căn. Nếu triển khai theo hướng này thì mới hợp lý. Đây là chìa khoá phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trần Đăng Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Miền Đông, thành viên của tập đoàn Kim Oanh
Ngoài ra, ông Toàn nhận định quy định về thuế thu nhập cũng là trở ngại cho chính người mua nhà ở xã hội. Có trường hợp người lao động, sau khi giảm trừ gia cảnh, phần thu nhập phải chịu thuế thu nhập chỉ 100.000 đồng vẫn không được mua nhà ở xã hội. Điều này thực sự quá bất hợp lý.
Nhiều quy định điều kiện người mua nhà ở xã hội vẫn chưa hợp lý
Quy định về đối tượng người mua xã hội hiện cũng bất hợp lý, như trường hợp 1 căn nhà nhiều người trong hộ gia đình đều đứng tên, dù nhà rất nhỏ, họ muốn mua nhà ở xã hội cũng rất khó. Họ đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập thấp nhưng lại không mua được nhà ở xã hội vì đã đứng tên sở hữu nhà ở. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Xây dựng về quy định này để có hướng tháo gỡ cho phù hợp.
Về thủ tục pháp lý dự án nhà ở xã hội, Sở xây dựng đã tiếp thu và có đề xuất với TP.HCM, Bộ Xây dựng để đơn giản quy trình thủ tục để thu hút chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM