Giá nhà cao, đề xuất phát triển nhà ở xã hội cho thuê

(PLO)- Nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ sẽ đáp ứng nhu cầu rất lớn của nhiều người dân có thu nhập thấp ở đô thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chi phí xây dựng ngày càng tăng, đẩy giá nhà tăng cao gấp nhiều lần so với thu nhập của đa số người dân. Vì vậy, để sản phẩm nhà ở xã hội có hướng ra, sớm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp, các chuyên gia đề xuất cần có chính sách phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê.

Chỉ đủ sức thuê nhà ở xã hội

Người dân có thu nhập thấp và trung bình ở các đô thị có rất ít khả năng tích lũy tiền để mua nhà. Theo TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhu cầu thuê nhà giá rẻ, gần chỗ làm việc, có tiện ích là rất lớn, đặc biệt với nhóm công nhân khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp. Do đó, rất cần có chính sách phát triển nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê. Theo các chuyên gia, chính sách nhà ở xã hội cũng cần hỗ trợ nhóm khách hàng không có khả năng để vay mua nhà.

Mới đây, tại một diễn đàn bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) và nhiều chuyên gia cũng đề xuất phát triển nhà ở xã hội cho thuê thay vì chỉ tập trung xây dự án để bán. Các chuyên gia đề nghị tăng tỉ lệ phát triển nhà ở xã hội cho thuê lên 30%-40% bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn. Phó chủ tịch VNRea dẫn chứng các nước tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê thông qua các quỹ tín thác bất động sản (REIT). Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân xây nhà cho thuê vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững.

Phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Một dự án nhà ở xã hội cho thuê do doanh nghiệp quản lý ở TP.HCM. Ảnh: Q.HUY

Nhiều người dân cho biết họ có nhu cầu nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ, được quản lý bài bản, có tiện ích, không gian sống an toàn. Anh Đức Phúc (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh là viên chức của một đơn vị sự nghiệp công lập, đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng gia đình anh lại không đủ tài chính để vay mua trả gốc và lãi hằng tháng khoảng 7-8 triệu đồng. Anh Phúc cho biết anh chưa bao giờ nghĩ sẽ mua nhà ở TP vì ngoài khả năng của anh. Anh đang ở phòng trọ nên khá chật hẹp, mất an toàn, không có không gian sống thoải mái. Vì thế, theo anh Phúc, nếu có chính sách nhà ở xã hội cho thuê trong tầm giá 4-5 triệu đồng/tháng, diện tích nhỏ nhưng được quản lý bài bản như các chung cư, có khoảng xanh, công viên cho trẻ em vui chơi thì quá tốt.

Tương tự, chị Minh Thùy (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết ở các đô thị nên phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội cho thuê dành cho người có thu nhập thấp. Đối tượng được thuê có thể là những người đã đóng BHXH, BHYT từ 10 năm trở lên, ngưỡng thu nhập thấp…

Cần chính sách khuyến khích cụ thể

Là đơn vị từng xây nhà ở xã hội cho thuê, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ có rất nhiều người lao động ngay cả nhà ở xã hội cũng khó mà mua được. Vì thế, công ty của ông đã đưa ra thị trường loại hình nhà ở xã hội cho thuê thời gian lên đến 49 năm, giá khoảng 350-400 triệu đồng/căn. Ngoài ra, công ty còn phát triển dòng sản phẩm căn hộ kiểu căn hộ mini cho thuê với giá chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, được quản lý bài bản, đảm bảo PCCC, an ninh trật tự. Tuy nhiên, hiện các dự án nhà ở xã hội cho thuê của công ty vẫn nằm chờ giải quyết về thủ tục, chính sách thuế…

Ông Nghĩa cho hay nếu quy định nhà ở xã hội chỉ để cho thuê như kinh nghiệm của các nước thì sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.

“Khi có chính sách khuyến khích nhà ở xã hội cho thuê thì Nhà nước chỉ cần làm sao để thủ tục, chính sách tín dụng, thuế… hợp lý, thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn quỹ đất sẽ là của doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và chịu trách nhiệm quản lý sau đó” - ông Nghĩa chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội cần phải đánh giá lại vì đây là sản phẩm mang tính đặc thù, sản phẩm nhà ở xã hội tại mỗi địa phương, mỗi khu vực sẽ khác nhau về giá lẫn nhu cầu. Hơn nữa, nhà ở xã hội là một phân khúc riêng, không tác động nhiều đến thị trường bất động sản nói chung.

“Phát triển nhà ở xã hội cho thuê cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch quỹ đất sau này. Ví dụ hết thời gian cho thuê, quỹ đất này có thể chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thuận lợi hơn là nhà ở xã hội chỉ để bán cho người dân sở hữu lâu dài” - TS Nghĩa góp ý.

Đề xuất hỗ trợ ưu đãi cho chủ nhà trọ

Để hoàn thành Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội và giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, người lao động, người nhập cư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất hỗ trợ vốn vay ưu đãi để người dân xây nhà trọ, tương tự như đối với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội.

HoREA cho rằng chủ nhà trọ đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở, chất lượng nhà trọ cũng ngày càng tốt hơn. Do đó, HoREA đề nghị bổ sung nhóm này được hưởng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cho thuê phù hợp với từng địa phương.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị xem xét giảm bớt một ít mức thuế khoán thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng cho các chủ nhà trọ hiện nay. Bởi thuế thu nhập cá nhân bằng 7%/doanh thu đối với các chủ nhà trọ hiện khá cao, chưa thật sự hợp tình, hợp lý. Do vậy, cần bổ sung chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hộicho thuê. Mức thuế thu nhập cá nhân mà HoREA đề xuất là 5%/doanh thu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm