Hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội chỉ mới giải ngân được 646 tỉ đồng. Ngoài lý do thủ tục dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, tốn thời gian thì lãi suất cho vay gói tín dụng này vẫn ở mức cao, đối tượng được vay mua nhà còn hạn chế.
Khôi phục gói cho vay lãi suất dưới 5%/năm
Do đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất chỉ 4,8 - 5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm.
Gói tín dụng này đã được Bộ Xây dựng đề xuất ngày 17-2-2023 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này, TS Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia bất động sản cho rằng lãi vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng. Giá nhà ở xã hội hiện nay cũng ở mức cao vì các chi phí đầu tư ban đầu, giá đất đều tăng cao. Do vậy, mức lãi vay ưu đãi cho người mua nhà nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp.
"Mức lãi vay này cũng cần được duy trì ổn định trong thời gian dài để hỗ trợ người dân, họ mới đủ sức vừa trang trải chi phí cuộc sống gia đình vừa trả nợ gốc và lãi vay hàng tháng"- ông Nghĩa nói.
Theo HoREA, nếu không bỏ quy định dành 20% quỹ đất bắt buộc để xây tại các dự án nhà ở thương mại, giá nhà ở xã hội tại TP.HCM có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2 do chi phí tạo lập quỹ đất rất cao. Nhà ở xã hội ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An mới thấp hơn.
Đề xuất thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỉ đồng
Về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị đối với gói tín dụng 125.000 tỉ đồng cần mở rộng thêm đối tượng được vay gói này.
Gói tín dụng 125.000 tỉ đồng do 5 ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp, vừa được bổ sung 5.000 tỉ đồng của 1 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất vay thương mại thông thường.
Tuy nhiên, gói tín dụng 125.000 tỉ đồng lại chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không chỉ vì phải chịu lãi suất khá cao 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, các mức lãi suất này được điều chỉnh mỗi 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi lãi suất thì áp dụng lãi suất thỏa thuận, “thả nổi” nên người mua, thuê mua nhà ở xã hội có tâm lý “bất an”, ngại vay.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thêm hai đối tượng được vay gói 125.000 tỉ đồng. Thứ nhất là người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống. Thứ hai là chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.