Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở xã hội

(PLO)- Để đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tới Thủ tướng cần rút gọn thủ tục, tạo điều kiện về vốn vay cho chủ đầu tư, giảm lãi suất vay mua nhà cho khách hàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 16-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản (BĐS).

Rút gọn thủ tục

Góp ý tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “1 triệu căn nhà ở xã hội” được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 4-3-2023.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup (đơn vị đã triển khai xây dựng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại nhiều địa phương) nhận định: "Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện nay còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, số lượng thủ tục nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại vì ngoài các thủ tục chung thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các hàng loạt thủ tục khác như xác nhận đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội...

nghiên cứu thành lập quỹ nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội Ảnh: VGP

Điều này dẫn đến các thủ tục thực hiện nhà ở xã hội kéo dài. Ông Quang đề nghị xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Còn ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) – 1 trong 4 ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ cho biết đến nay ngân hàng này đã tài trợ được tám dự án, trong đó có ba dự án đã ký được hợp đồng tín dụng và giải ngân được 423 tỉ đồng và cấp tín dụng đối với năm dự án, tổng số quy mô gần 3.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Sơn cho hay quá trình triển khai gặp một số khó khăn, trong đó có vấn đề về thủ tục triển khai dự án, dẫn đến việc giải ngân gói tín dụng chậm.

Hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà

Cũng theo đại diện Vietinbank, bản chất gói 120.000 tỉ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mặc dù các ngân hàng thương mại dành nguồn lực ưu tiên cho chương trình nhưng mức lãi suất cho chủ đầu tư, người mua nhà vẫn chưa đủ hấp dẫn so với các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Ông Sơn đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.

Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối. Cùng với đó là xem xét giao việc lựa chọn xác định người mua nhà cho chủ đầu tư dự án để tăng chủ động trong khâu bán hàng, đồng thời mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện đối với người được mua nhà ở xã hội.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, đánh giá hiện nay lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay còn ngắn.

“Qua theo dõi, tìm hiểu, nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội” – ông Huy góp ý.

Tương tự, Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, bày tỏ băn khoăn tại sao gói 120.000 tỉ là một chương trình rất nhân văn nhưng lại không được áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành.

“Chúng tôi kiến nghị gói 120.000 tỉ này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi” – ông Tuấn nói.

Đồng lòng xây nhà ở xã hội cho dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề nhà ở cho người dân là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo.

Để đẩy mạnh công tác này, Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan cần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo” để chăm lo nhà ở cho người dân.

nha-o-xa-hoi.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP)

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua trong thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng phù hợp.

Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Với các địa phương, Thủ tướng lưu ý cần dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để làm nhà ở xã hội; lựa chọn nhà thầu có năng lực triển khai dự án, đôn đốc chủ đầu tư nhà ở thương mại xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% nếu không cương quyết thu hồi giao đơn vị khác thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công bằng tinh thần trách nhiệm với xã hội cao nhất.

Thủ tướng cũng đề nghị người dân tích cực tham gia xây dựng chính sách, đồng hành trong giải phóng mặt bằng để phát triển nhà ở xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm