Trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đang được lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất nội dung nới điều kiện về thu nhập đối với người mua.
Nới nhưng vẫn còn khó
Theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Hiện ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng.
Để mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nội dung đề xuất nới điều kiện về thu nhập đối với người mua.
Cụ thể, thu nhập bình quân hằng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong ba năm liền kề trước năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đồng tình với những quy định trên nhưng nhiều người dân vẫn lo ngại điều kiện mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng vẫn chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Chị Thiên Thanh cho biết chị đang thuê nhà ở quận Gò Vấp với giá 6 triệu đồng/tháng. Chị có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng quy định điều kiện thu nhập không đạt vì cả hai vợ chồng lương đều trên 15 triệu đồng/tháng. Theo chị, nếu nới được lên ngưỡng dưới 20 triệu đồng/người/tháng thì sẽ hợp lý hơn, hoặc quy định theo tỉnh, thành dựa trên giá nhà ở tại địa phương đó. Ví dụ, giá nhà ở xã hội tại các tỉnh 500-600 triệu đồng/căn, còn ở TP.HCM đều 1,5-2 tỉ đồng/căn.
Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay mua NƠXH của gói 120.000 tỉ đồng hiện nay chỉ thấp hơn 1,5%-2% so với lãi suất thông thường thì người dân thu nhập trung bình vẫn khó mà trả được. “Nên có lãi suất ưu đãi hơn, kéo dài hết thời gian cho vay 20-25 năm như trước đây thì người thu nhập thấp mới đủ sức trả nợ” - chị Thanh nói.
Xem xét điều kiện chỉ cần không có nhà ở
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, việc nới điều kiện thu nhập để mở rộng số lượng người được mua nhà ở xã hội là hợp lý do hiện nay giá nhà ở quá cao, vượt xa thu nhập của đại đa số người dân. Mức 15 triệu đồng/người/tháng được đề xuất có thể để phù hợp với mức giảm trừ gia cảnh sắp tới Bộ Tài chính sẽ nâng lên và sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2026.
Tuy nhiên, để nâng ngưỡng thu nhập cao hơn nữa cũng khó vì nhà ở xã hội được hiểu là dành cho người có thu nhập thấp, Nhà nước hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua. Vì vậy, điều kiện về đối tượng được hỗ trợ là dưới ngưỡng phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Khi đã có thu nhập trên ngưỡng chịu thuế thì không thể gọi là thu nhập thấp nữa.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên có nghiên cứu khảo sát tính toán về mức chi tiêu cho cuộc sống của người dân ở các đô thị, thậm chí từng vùng để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế cho phù hợp. Có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, khi đó mức giảm trừ có thể điều chỉnh theo từng năm. Từ đó, điều kiện mua nhà ở xã hội cũng sẽ hợp lý hơn.
TS Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế thì cho rằng quy định mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/người/tháng cũng không hợp lý vì xác định thu nhập thấp phải có cơ sở. Thu nhập thấp có thể dựa trên mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hoặc có khảo sát khoa học, kinh tế về mức chi tiêu của các gia đình từng năm. Thực tế mức thu nhập ấy vẫn quá khó để mua nhà vì chi phí cuộc sống ở TP.HCM cũng đã gần hết từng đó.
Do đó, theo TS Điền, chỉ nên quy định người được mua nhà ở xã hội là những người dân đúng đối tượng, chưa có nhà ở có độ tuổi 30-35 tuổi trở lên và được ngân hàng thẩm định đủ điều kiện cho vay. “Khi có danh sách nộp lên, những người chưa có sở hữu nhà ở, ngân hàng thẩm định đủ điều kiện thu nhập để cho vay mua nhà thì duyệt, không phải mất thời gian, nhiều thủ tục hành chính và không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách” - TS Điền chia sẻ.
Mở rộng thêm nhiều đối tượng được mua nhà ở xã hội
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có những nội dung nới lỏng hơn. Đơn cử như đối với điều kiện về nhà ở, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình quy định vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.
Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15 m2 sàn/người, tăng lên so với mức quy định hiện hành là dưới 10 m2.
Điều kiện mua nhà ở xã hội cũng đã bỏ hẳn tiêu chí về nơi cư trú. Theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, TP này.