Gói 120.000 tỉ đồng triển khai từ tháng 4-2023 để hỗ trợ cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng đến nay mới giải ngân được 640 tỉ đồng, chưa đến 1%. Nhiều nguyên nhân về vướng mắc pháp lý, thủ tục làm dự án nhà ở xã hội được các chuyên gia chỉ ra.
Hơn 1 năm thực hiện chỉ giải ngân được 0,5%
Về việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo báo cáo, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỉ đồng.
Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng được triển khai từ đầu tháng 4-2023 theo Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo kế hoạch, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank và VietinBank, mỗi ngân hàng dành khoảng 30.000 tỉ đồng tham gia gói tín dụng này, lãi suất cho vay thấp hơn thị trường từ 1,5 - 2%.
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà. Mức giảm lần lượt từ 8,5%/năm và 8%/năm (từ 1-4-2023) xuống còn 8,2%/năm và 7,7%/năm (từ 1-7-2023); tiếp tục giảm xuống 8%/năm và 7,5%/năm kể từ 1-1-2024.
Ngân hàng khó giải ngân vì vướng pháp lý
Nguyên nhân khiến việc giải ngân gói 120.000 tỉ chậm theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế là tiêu chuẩn, điều kiện để chủ đầu tư nhà ở xã hội được vay. Người mua nhà cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chính quyền địa phương đặt ra. Trong khi nguồn cung các dự án xã hội quá ít, chưa đủ điều kiện.
Gói 120.000 tỉ đồng là gói tín dụng tự nguyện, các ngân hàng phải thẩm định tiêu chuẩn thì mới giải ngân.
Trong khi đó, qua thẩm định các ngân hàng nhận thấy một số dự án nhà ở xã hội còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho các chủ đầu tư dự án.
Theo ông Thịnh, cần có những biện pháp động viên địa phương, chủ đầu tư thực hiện quá trình xây dựng tốt hơn chương trình nhà ở xã hội; đồng thời đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, điều kiện ngân hàng đã đề ra.
Đề xuất rút gọn thủ tục pháp lý dự án nhà ở xã hội
Bàn về giải pháp phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết các địa phương cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thực hiện theo pháp luật về nhà ở.
Đồng thời, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Cùng với đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương cho các đối tượng tham gia được vay nguồn vốn 120.000 tỉ đồng.
Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, Bộ đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Có 4 dự án nhà ở xã hội đã khởi công trong quý đầu năm 2024
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I-2024, báo cáo của 42/63 địa phương cho thấy đến nay có 13 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn.
Trong đó, có 3 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành một phần với quy mô 2.000 căn. Có 4 dự án đã khởi công xây dựng quy mô khoảng 8.100 căn. Trong quý có 4 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 5.900 căn.