Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội (QH) tiến độ những dự án giao thông được triển khai từ nguồn vốn Nghị quyết 43/2022 của QH, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bộ này cho biết các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn trên thi công đang chậm so với yêu cầu đề ra.
Dự án mới thông qua đã đội vốn
Theo Bộ KH&ĐT, sau khi được QH thông qua chủ trương, quá trình chuẩn bị đầu tư của các dự án giao thông trọng điểm chậm ở khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chẳng hạn, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội chậm khoảng năm tháng, dự án đường vành đai 3 TP.HCM chậm gần hai tháng; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chậm khoảng 1,5 tháng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm gần hai tháng.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vượt 123 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được QH phê duyệt. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tổng mức đầu tư dự kiến cũng tăng lên khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được QH thông qua. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát.
Đối với quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), dự án các đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo tuân thủ quy định và cơ chế đặc thù được QH thông qua.
Bên cạnh những dự án đã lựa chọn được nhà thầu, Bộ KH&ĐT cho biết còn một số dự án, dự án thành phần chưa hoàn thành, hoàn thành nhưng chậm hơn so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân do việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán còn chưa hoàn thành, hoàn thành nhưng chậm hơn so với yêu cầu đề ra.
Với dự án đường vành đai 3 TP.HCM còn hai gói thầu, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội còn một gói thầu vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thi công. “Việc chậm trễ trong ký kết hợp đồng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…” - Bộ KH&ĐT khẳng định.
Nguyên nhân việc đến nay các địa phương chưa lựa chọn được nhà đầu tư là do hình thức đối tác công tư (PPP) phức tạp. Quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán, ký kết hợp đồng dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật có liên quan…
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tổng mức đầu tư dự kiến cũng tăng lên khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua.
Thiếu cát, mặt bằng khiến các dự án chậm tiến độ
Về tiến độ thi công, đến nay 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã khởi công. Hiện tất cả dự án thành phần đang triển khai thi công với 636 mũi thi công. Sản lượng thực hiện của các dự án đạt 19,76% hợp đồng, chậm 3,63% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, đặc biệt là các dự án khu vực ĐBSCL.
Với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sản lượng thi công mới đạt 8% giá trị hợp đồng. Riêng dự án thành phần 3 do TP Hà Nội làm chủ đầu tư mới hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chưa triển khai thi công.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đang thi công các hạng mục đơn giản như đắp nền, xử lý đất yếu; số còn lại đang thực hiện công tác chuẩn bị thi công.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có ba dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 gặp khó khăn về mặt bằng khi tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được 29,9/314,4 ha (đạt 9,5%) nên chỉ đảm bảo mặt bằng thi công cọc khoan nhồi, sản xuất dầm cầu. Dự án thành phần 2 sản lượng đến nay mới đạt 1,5% giá trị hợp đồng. Dự án thành phần 3 đang thi công cầu, đường, hầm chui, cống thoát nước giá trị sản lượng đến nay đạt 10% giá trị hợp đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện các nhà thầu đã triển khai công tác huy động công trường và thi công một số hạng mục cọc khoan nhồi, vét hữu cơ, đắp nền, xử lý đất yếu.
Với kết quả trên, Bộ KH&ĐT đánh giá hiện tiến độ, sản lượng thi công của một số dự án, dự án thành phần còn thấp, chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân khách quan là do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm. Song song đó, nguồn vật liệu cho các dự án, dự án thành phần còn hạn chế, công tác giao mỏ cho nhà thầu khai thác chậm, nhiều dự án triển khai đồng loạt dẫn đến khan hiếm vật liệu điển hình như khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư…
Để dự án đúng tiến độ, Bộ KH&ĐT cho biết thời gian tới các cơ quan được giao làm chủ quản dự án, các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công sẽ phải khẩn trương kiện toàn bộ máy, tăng cường nhân lực, đầu tư trang thiết bị... để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cần xây dựng tiến độ tổng thể, chi tiết gắn với trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể tham gia; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng.•
Hai dự án BOT đều chậm
Hiện dự án cao tốc Bắc - Nam có hai dự án BOT đang thi công đó là dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Trong đó, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay mới đạt khoảng 67,54% hợp đồng, chậm gần 3% so với tiến độ điều chỉnh.
Còn đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt khoảng 92,6% hợp đồng, vẫn chậm 1,15% so với tiến độ điều chỉnh. Hạng mục chậm tiến độ là công tác triển khai thi công trạm thu phí, nút giao Thuận Nam, một số vị trí đường gom bổ sung.