Dễ thông cảm cho các nhà tổ chức giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam trong mùa dịch bệnh COVID-19 phức tạp đã không thể dự báo cột mốc sẽ hoàn tất cuộc chơi dù mong muốn là ngày 31-10. Đã từng một lần VPF bị các thành viên phê phán vì giữa mùa dịch không lo phòng, chống dịch lại nói chuyện đá bóng. Cho nên bây giờ họ rất sợ điều tiếng và thậm chí là những giải pháp có thể bất khả thi vì không hợp lý.
Hai phương án nhưng vẫn chưa thấy khả thi
Theo đó, VPF dự kiến từ đầu tháng 9 bóng lăn trở lại gấp gáp trong hai tháng để cán đích bế mạc giải đúng ngày 31-10. Tuy nhiên, mọi thứ đều phải diễn ra với điều kiện an toàn tuyệt đối hoặc phải trong tầm kiểm soát y tế chặt chẽ như hồi đầu mùa đá hai trận trên các sân không có khán giả. 14 đội V-League sẽ chơi hai trận nữa để hoàn tất 13 vòng của giai đoạn 1, sau đó phân nhóm tám đội tranh vô địch và sáu đội phía dưới chạy trốn một suất trụ hạng.
Tương tự, 12 đội hạng Nhất sẽ thi đấu hai vòng nữa là xong giai đoạn 1 và phân mỗi nhóm sáu đội chạy đua vô địch để chọn một đội lên hạng, sáu đội nhóm dưới tranh năm suất trụ hạng. Song song hai giải đấu này, Cúp Quốc gia chơi tiếp ba vòng tứ kết, bán kết và chung kết.
Một phương án khác, xấu hơn là VPF sẽ chọn thời điểm phù hợp để 26 đội chuyên nghiệp đá hai lượt nữa, V-League không xuống hạng và hạng Nhất có hai đội lên. Giải pháp tình thế này nghe có vẻ nhanh chóng và phù hợp, còn thực tế chẳng giải quyết điều gì. Bởi gần như chỉ có CLB Sài Gòn còn động lực đá một trận thắng nữa là chắc chắn vô địch, còn lại chỉ chơi cho hết trách nhiệm, chưa kể nguy cơ tiêu cực dễ phát sinh. Ngược lại, chi phí để vận hành các trận đấu này là rất lớn, hơn gấp nhiều lần tiền thưởng 3 tỉ đồng cho nhà vô địch, thì nên đá hay nên dừng có lợi hơn?
V-League và các giải chuyên nghiệp có thể sẽ phải chọn phương án hủy nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp và các CLB bị khủng hoảng kinh tế. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Hoãn giải đến… năm sau
Ở phương án 1, dự kiến bóng lăn vào đầu tháng 9 không chắc khả thi, khi các đội SHB Đà Nẵng và Quảng Nam còn bị cách ly, xét nghiệm COVID-19 với một số trường hợp tiếp xúc gần. Ít nhất nửa tháng nữa họ mới trở lại sân tập trong điều kiện còn giãn cách xã hội, liệu có đủ tâm thế để bước vào cuộc chơi. Giả sử hai đội này phải đá trên sân trung lập, trong khi các đối thủ đều có cơ hội chơi trên sân nhà thì làm sao giải quyết sự công bằng?
Đấy là nói đến sự tái xuất của các giải bóng đá chuyên nghiệp trong điều kiện “bình thường mới” không còn ca nhiễm COVID-19, còn bây giờ chẳng ai đoán biết điều gì sẽ xảy ra cả.
Đã có một số ý kiến cho rằng các nhà làm giải nếu không muốn vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ trong điều kiện bất khả kháng thì cần dừng cuộc chơi cho đến khi kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh COVID-19 thì đá tiếp, có thể kéo dài đến sang năm. Bởi thời gian của năm 2020 dần cạn kiệt trong lúc không ai biết ảnh hưởng của dịch kéo dài bao lâu. Hy vọng 26 đội bóng chuyên nghiệp sau khi tiếp nhận các giải pháp của VPF sẽ tìm ra nhiều phương án khác hợp lý hơn để cùng nhau vượt qua mùa dịch.
AFF hoãn và hủy tất cả giải còn lại trong năm 2020 AFF chính thức thông báo hoãn toàn bộ giải từ nay đến cuối năm 2020. Tổng cộng chín giải đấu cấp khu vực gồm giải dành cho các đội tuyển nam và nữ từ AFF Cup đến các giải trẻ U-16, U-19 nam, U-15, U-18 nữ cùng những giải futsal dành cho cấp đội tuyển và cấp các CLB, các giải bóng đá bãi biển. AFF giải thích với các liên đoàn thành viên là do diễn biến dịch COVID-19 tại nhiều nước Đông Nam Á đặc biệt có dấu hiệu trở lại tái phát và rất phức tạp khiến việc di chuyển của các đội không an toàn cũng như gặp nhiều khó khăn. Như vậy, việc hủy và dồn những giải quan trọng sang năm 2021 sẽ tạo ra một áp lực lớn dễ quá tải đối với nhiều đội bóng, nhất là năm 2021 cũng là năm tổ chức SEA Games 31. Đ.TR |