1. Không nên tùy tiện nói dối trẻ
“Con gái tôi mới hai tuổi, thường xuyên tranh cãi với tôi về việc không muốn đi nhà trẻ” - cô Lan (Đống Đa) chia sẻ. “Một hôm, bé lại làm nũng, không muốn xuống xe, tôi liền chỉ vào ngôi nhà ở bên kia đường và bảo bé rằng đó là nhà của mẹ mìn, làm bé rất sợ. Tôi nói bé có hai lựa chọn: đi nhà trẻ hoặc đến nhà đối diện ở với mẹ mìn. Nhiệm vụ hoàn thành – bé nhà tôi chạy thật nhanh vào nhà trẻ. Một tuần sau đó, người giữ trẻ thường xuyên hỏi tôi về ngôi nhà bên kia đường bởi vì con gái tôi không thể ngừng hỏi về nó. Tôi mệt mỏi khi phải giải thích với mọi người và giờ con gái tôi tin rằng mẹ mìn ẩn núp ở khắp nơi. Sau đó mỗi ngày tôi đều gặp rắc rối với việc đưa con đến trường”.
Lời khuyên: Các lời nói dối dù chỉ là những lời nói dối nhỏ cũng rất khó để tiếp tục. Và vì cha mẹ là tấm gương cho con trẻ nên nếu muốn trẻ luôn trung thực, cách tốt nhất là nói thật. Trong trường hợp của cô Lan, cô có thể nói với bé “Mẹ biết con đôi khi không muốn đến nhà trẻ cũng như mẹ không muốn đi làm”. Bé sẽ thấy đồng cảm với mẹ hơn và không cố làm loạn khi đến giờ đi học nữa.
2. Nói mà không làm
Khi con trẻ làm điều gì sai, cha mẹ thường hay dọa bé và nhắc nhở về các luật lệ. Nhưng khi bé vẫn tiếp tục mắc sai lầm, nhìn vào khuôn mặt xinh xắn, tội nghiệp của con, họ lại không nỡ thực sự phạt bé. Điều này sẽ khiến bé “ nhờn” với các nguyên tắc của người lớn và trở nên khó kiểm soát hơn.
Lời khuyên: Bạn không muốn trở thành người xấu trong mắt con nhưng khi con bạn cư xử không đúng, bé phải nhận hình phạt thích đáng. Các chuyên gia đã chỉ ra khi bạn liên tiếp nói “Nếu con không thôi ném cát, mẹ sẽ thu hồi lại xô cát đó”, điều vào tai con bạn là “Mình có thể ném cát thêm vài lần nữa cho đến khi mẹ bắt mình dừng”
3. Thường xuyên đưa ra phần thưởng đi kèm với các yêu cầu
“Con gái tôi luôn rất kén ăn. Có một lần tôi bắt bé ăn hết bữa trưa của mình, đổi lại bé sẽ được ăn một mẩu socola sau đó. Lúc đầu kế hoạch khá thành công. Nhưng rồi đến bữa tối con bé đòi một thanh socola và một chiếc kẹo mút. Không chỉ vậy, con bé cũng chỉ ăn một bằng một nửa bữa trưa.” – chị Minh Anh (Ba Đình) chia sẻ.
Lời khuyên: Nuôi dưỡng các thói quen tốt cho sức khỏe cho bé là điều rất tốt. Nhưng thay vì đưa ra các phần thưởng đi kèm, bạn hãy cố gắng sử dụng các lời khuyến khích trẻ như “Mẹ tự hào vì con đã ăn hết suất ăn đó”, bé sẽ cảm thấy vui vẻ, tự hào không kém hơn khi nhận được một món quà vật chất nào khác.
4. Sử dụng hình phạt thể chất với trẻ
Cô Hạnh (Hà Đông) tâm sự: “Khi con tôi mới 2 tuổi làm một điều gì sai, tôi sẽ đánh vào tay bé và mắng “Không được!”. Cách này vẫn rất hiệu quả cho đến khi bé đến trường và đánh vào tay của tất cả các bạn học khi chúng động vào đồ của bé. Tôi đã không thể mắng bé trong khi chính mình cũng làm điều tương tự”
Lời khuyên: Sử dụng các hình phạt về thể chất để kỷ luật trẻ không phải là cách làm được khuyến khích vì trẻ rất dễ học theo hành động của cha mẹ dù đó là đúng hay sai, và thường gây những tác động tiêu cực đến hình thành tính cách trẻ nhỏ.
5. Nói chuyện dài dòng với trẻ
Vài bậc phụ huynh thường hay “tổ chức” các cuộc nói chuyện dài với con như : đi ngủ đúng giờ là một ý kiến hay vì nó giúp con được nghỉ ngơi đủ cho ngày bận rộn tiếp theo; ăn cơm đúng bữa và đủ chất sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của con... Cố gắng giải thích mọi lí do với một đứa trẻ đôi khi chỉ là một cuộc nói chuyện vô nghĩa vì trẻ có thể không hiểu hết được các từ ngữ uyển chuyển, phức tạp của người lớn và chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi với những buổi nói chuyện “nghiêm túc” kiểu này.
Lời khuyên: Trẻ nhỏ không phải là thiếu niên, các lời giải thích dài hoặc các hướng dẫn sẽ nhanh chóng được vứt bỏ khỏi đầu chúng. Hãy nói vào trọng tâm của vấn đề như “Không nên ăn bánh trước khi ăn cơm tối” và hãy sử dụng các từ phù hợp với lứa tuổi của bé.
Ngoài ra, phụ huynh có thể ứng dụng các nguyên tắc sau khi dạy dỗ trẻ:
Chậm mà chắc: Dù bạn cảm thấy rằng bé cần phải làm theo các nguyên tắc mà mình đề ra ngay, nhưng đừng nên nóng vội,hãy chọn ra 2 điều cần thiết nhất và bắt đầu từ đó. Đừng để bé quá mệt mỏi với hàng tá luật lệ.
Cho trẻ lựa chọn: Giả sử con bạn thường hay cáu gắt khi làm một việc gì đó, bạn hãy đưa ra hai lựa chọn cho bé. Điều này vừa dễ dàng hơn cho bé mà vẫn khiến bé cảm thấy mình đang kiểm soát mọi thứ.
Không được nóng vội: Thói quen và nhất là các thói quen xấu luôn cần nhiều thời gian để sửa đổi. Có thể sẽ mất cả tuần hay thậm chí là cả tháng nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn, chắc chắn bé sẽ thay đổi được thói quen xấu đó.
Theo afamily