Hiện người tiêu dùng châu Âu đang quay cuồng với hóa đơn tiền điện và khí đốt cao ngất ngưởng trong khi các quan chức tìm cách kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng. Một lượng lớn nhu cầu năng lượng của châu Âu trước nay do Nga đáp ứng. Cuộc chiến Nga - Ukraine và việc Nga giảm cung ứng khiến các lãnh đạo châu Âu phải bắt tay tìm cách thoát lệ thuộc năng lượng Nga. Lựa chọn nào khả dĩ cho châu Âu?
Một khả năng - ít nhất trên lý thuyết - sẽ là không làm gì cả, theo cây viết về kinh tế Larry Elliott của tờ Guardian. Châu Âu có thể chấp nhận rằng chi phí năng lượng ngày càng tăng sẽ khiến châu lục này nghèo đi trong một thời gian. Giá năng lượng cao ngất ngưởng sẽ làm giảm hoạt động sản xuất, cuối cùng việc này sẽ dẫn đến giảm nhu cầu về dầu và khí đốt, và giá sẽ giảm mạnh. Vấn đề là khả năng này sẽ gây ra khó khăn vô cùng lớn cho người dân các nước châu Âu, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo.
Lựa chọn thứ hai là “không để một cuộc khủng hoảng tốt đi vào lãng phí”, tức là nắm bắt cơ hội mang lại từ việc Nga vũ khí hóa khí đốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Các nước phương Tây đã đăng ký mục tiêu không phát thải carbon ròng và đây là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ. Thay vì phụ thuộc vào khí đốt của Nga, phương Tây nên xây dựng các dạng năng lượng xanh hơn, sạch hơn của riêng mình.
Quá trình này đang diễn ra nhưng vấn đề là châu Âu sẽ không thể hoàn thành trước mùa đông này. Giá khí đốt đã tăng mạnh vào tuần trước khi Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu nhà nước Nga thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo trì đột xuất. Điều lo ngại là nguồn cung cấp khí đốt để đáp ứng nhu cầu của châu Âu sẽ không đủ trong mùa đông tới.
Tàu chở khí đốt hóa lỏng di chuyển trên biển. Ảnh: GETTY IMAGES |
Lựa chọn thứ ba, trước khi từ chức thủ tướng Ý, ông Mario Draghi đã đề xuất một cách để thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan của phương Tây: Một thỏa thuận của bên mua về mức giá trả cho bên bán. Tuy nhiên, kể từ khi ông Draghi đề xuất hồi tháng 5 đến nay thỏa thuận này chưa xuất hiện, đơn giản nó đòi hỏi một mức độ đoàn kết quốc tế từ phía các quốc gia tiêu thụ, một điều cực kỳ khó. Phương Tây thậm chí không thể tìm thấy sự nhất trí trong Liên minh châu Âu, chứ chưa nói đến Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước nhập khẩu lượng lớn năng lượng từ Nga.
Lựa chọn thứ tư, một cách rõ ràng để hạ giá năng lượng là tìm cách kết thúc chiến tranh. Giá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong suốt năm 2023 bởi thị trường không nhìn thấy kết thúc sớm cho xung đột Nga - Ukraine. Đây có vẻ là một giả định hợp lý khi cả Nga và Ukraine vẫn dằng dai không bên nào đủ sức đánh thắng triệt để bên còn lại, chưa kể thiếu nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để chấm dứt bế tắc. Cách tiếp cận này đi kèm với một cái giá về kinh tế, như Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thừa nhận tuần trước khi ông cảnh báo Anh về thời gian khó khăn phía trước.
Trong trường hợp nếu không làm gì không phải là một lựa chọn, việc thống nhất một thỏa thuận bên mua không thể thành sự thực, chiến tranh sẽ kéo dài và năng lượng tái tạo sẽ phải cần thời gian để tạo sự khác biệt thì sao? Khi đó các chính phủ châu Âu không còn cách nào khác ngoài việc phải đưa ra các gói giải cứu cho người dân và chắc chắn sẽ cần tiếp tục hỗ trợ trên quy mô lớn.