Các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-8

(PLO)- Quốc hội vừa chính thức thông qua dự án “1 luật sửa 4 luật”, theo đó Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2024…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, với 404/469 đại biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 83,13%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án “1 luật sửa bốn luật” - tức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhiều quy định có thể áp dụng ngay

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, điều chỉnh hiệu lực của bốn luật, tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật.

ý kiến đề nghị giữ nguyên hiệu lực của các luật (là ngày 1-1-2025), các cơ quan liên quan có thời gian tập trung xây dựng các Nghị định, Thông tư một cách kỹ lưỡng, chất lượng. Đồng thời các địa phương có thể tiếp cận các hướng dẫn trên xây dựng các văn bản theo thẩm quyền mà các luật đã giao.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ việc chọn thời điểm có hiệu lực của các luật là từ ngày 1-8-2024; có ý kiến cho rằng Chính phủ đã có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật nêu trên thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm với đề xuất đó.

luat-dat-dai-bieu-quyet.jpg
Kết quả biểu quyết của Quốc hội về dự án "1 luật sửa 4 luật" - tức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây.

Nhiều quy định trong các luật này mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Cạnh đó, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

“Việc các luật này sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này” – ông Thanh nhấn mạnh và cho biết từ khi các luật được thông qua, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong báo cáo mới đây, Chính phủ cũng cho rằng phương án đề xuất là để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau.

Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm.

“Chính phủ chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các Luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành Luật” - báo cáo nêu.

Địa phương không phải chờ lâu

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết có một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương.

Khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của Bộ, ngành. Trong khi các văn bản này chưa được ban hành, đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các ý kiến này cho rằng trường hợp Luật được thông qua, thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Do đó, đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-8
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Đáng chú ý, với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, theo Báo cáo, Thủ tướng đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật.

“Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024” – ông Thanh nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 1-8-2024 khi Luật này được Quốc hội thông qua.

Không có vướng mắc về quy định chuyển tiếp

Về quy định chuyển tiếp tại khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 10 Điều 255 dẫn đến cách hiểu là trong khoảng thời gian từ ngày 1-8-2024 đến ngày 31-12-2024 các trường hợp không thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai sẽ tiếp tục thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Như vậy, nếu đến ngày 31-12-2024 mà có văn bản lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư thì được thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai. Trường hợp không có văn bản lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư thì phải áp dụng toàn bộ quá trình lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật thì từ ngày 1-8-2024, Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, theo đó Luật Đất đai 2013 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1-8-2024. Điều này đặt ra vướng mắc về mặt pháp lý trong khoảng thời gian năm tháng về việc xác định các dự án (bao gồm cả dự án nhà ở theo Luật Nhà ở 2023) “thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất” sẽ được thực hiện theo Luật Đất đai 2024 hay Luật Đất đai 2013.

Cũng có ý kiến cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết 132/2020 và khoản 2 Điều 251 của Luật Đất đai 2024 thì Nghị quyết 132 sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-8-2024. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 1-8-2024 đến ngày 31-12-2024 sẽ không có cơ sở pháp lý để phê duyệt phương án sử dụng đất, phương án xử lý, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy định khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung theo dự thảo Luật.

Về vấn đề này, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ đã có báo cáo đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm