Dự án 1 luật sửa 4 luật: 'Sớm ngày nào người dân được hưởng lợi ngày đó'

(PLO)- Tại phiên thảo luận tổ về dự án “1 luật sửa 4 luật” ngày 20-6, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định mọi điều kiện để bốn luật có thể triển khai từ 1-8 đã được chuẩn bị sẵn sàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay (21-6), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (hay còn gọi là dự án “1 luật sửa 4 luật”).

Trong phiên thảo luận tổ ngày 20-6, các đại biểu (ĐB) QH đều nhìn nhận đây là dự luật khá đặc biệt vì có nội dung ngắn, chỉ quy định thời hiệu của bốn luật chính thức có hiệu lực từ 1-8, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm thông qua là 1-1-2015. Đây cũng là dự luật đầu tiên được QH xem xét đẩy sớm thời hiệu, còn trước đây đa phần là xem xét lùi thời gian có hiệu lực của luật.

Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm việc Chính phủ đã chuẩn bị các điều kiện thế nào để bốn luật có thể triển khai ngay được nếu có hiệu lực từ 1-8.

du-an-1-luat-sua-4-luat-som-ngay-nao-nguoi-dan-duoc-huong-loi-ngay-do-hoang-van-cuong.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Đẩy sớm hiệu lực, lợi nhiều hơn hại

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng việc đẩy sớm thời hiệu của bốn luật là để tốt hơn vì có nhiều lợi ích như tờ trình của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, ông đề nghị phải xem xét nhiều mặt vì đây là chính sách luật pháp, có tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Cụ thể, khi các luật có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt hợp đồng đã ký kết hoặc chuẩn bị giao dịch, ký kết vào thời điểm tới.

“Để QH bấm nút đẩy sớm thời hiệu của các luật, chúng tôi đề nghị phải có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm về việc sẽ không gây ra thiệt hại, hay bất lợi cho bất kỳ đối tượng nào trong xã hội” – ĐB Nghĩa nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lưu ý cả bốn luật này có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Về chiều thuận, các luật đã cởi trói, khơi thông được những ách tắc lâu nay cho thị trường bất động sản, nếu được triển khai thì sẽ có tác động ngay đến nền kinh tế, giải quyết vấn đề thiếu nhà ở lâu nay. Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có những khó khăn vì chỉ “một quyết định không chính xác sẽ để lại hậu quả rất lớn”.

Theo ông Cường, đến nay mới có một nghị định được ban hành, còn lại đang được soạn thảo song song để đồng bộ, thống nhất trong triển khai. “Đề nghị không chạy đua về tiến độ để đẩy nhanh sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn, phải chuẩn bị chất lượng đặt lên hàng đầu, tránh hậu quả có thể xảy đến” – ông Cường nói.

Ông cũng đề xuất QH cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn hoàn thành trước 31-12-2024 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong luật mới mà khi thực hiện không được lợi như luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn áp dụng theo luật cũ theo hướng có lợi cho mình.

Còn ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho hay thực tế có nhiều địa phương đang e dè chờ đợi luật mới có hiệu lực để triển khai dẫn đến tình trạng ách tắc. "Dù sẽ có những khoảng trống nhất định nhưng hiệu lực sớm các luật sẽ có lợi nhiều hơn có hại" - ĐB Ấn nói.

nguyen-minh-duc.jpg
ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM). Ảnh: NT

ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề chỉ còn hơn một tháng là các luật này sẽ có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua), trong khi còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa chuẩn bị xong. Từ đó, ông cho rằng các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực để hoàn thiện văn bản, có như thế, nghị định mới sớm áp dụng, hạn chế được tình trạng “nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định”…

Chia sẻ với băn khoăn của các ĐB, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay hiện Chính phủ, Thủ tướng đang rất quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tinh thần khi luật được thực hiện sớm hơn thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

“Tất nhiên phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng nếu không khi luật có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn thì cũng không thực hiện được” – ông Mãi nhấn mạnh và cho biết TP cũng đang tích cực chuẩn bị với 11 văn bản để hướng dẫn 20 nội dung liên quan thuộc thẩm quyền.

Tất cả điều kiện đã chín muồi

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai là luật duy nhất đến thời điểm này trải qua 4 kỳ họp cho ý kiến, khi được QH thông qua đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, là bộ luật đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

“Từ thời điểm luật được thông qua đến nay, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, các địa phương… đều rất mong muốn luật có hiệu lực sớm vì trong Luật Đất đai có rất nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước” – ông Khánh khẳng định.

Dự án 1 luật sửa 4 luật: 'Sớm ngày nào người dân được hưởng lợi ngày đó'
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, ông Khánh cho hay hai luật này được QH thông qua vào tháng 10-2023. Thông thường những luật này sẽ có hiệu lực vào 1-7-2024.

“Tuy nhiên, để bảo đảm đồng bộ, bảo đảm cả ba luật có nhiều mối liên quan với nhau cùng có một thời hạn hiệu lực nên hai luật này phải đợi Luật Đất đai” – Bộ trưởng TN&MT nói và cho hay thực tế các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết của hai luật cũng đã được Bộ Xây dựng chuẩn bị sẵn sàng, kể cả trong trường hợp thời điểm có hiệu lực của hai luật là từ 1-7-2024.

Về điều kiện để thực hiện là các văn bản hướng dẫn, Bộ trưởng TN&MT cho biết quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã dự thảo các nghị định và thông tư. Đến thời điểm này khi Luật Đất đai có hiệu lực, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo - Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan bắt tay vào làm việc ngay.

"Tại sao hôm nay mới báo cáo QH. Khi Chính phủ thấy điều kiện "chín" rồi mới báo cáo với QH. Đến thời điểm này, các Nghị định đã được tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, đã xong về mặt chính sách cơ bản, giờ chỉ còn xử lý về mặt kỹ thuật. Có nhiều nghị định chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ lần thứ 2” – ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, lãnh đạo Chính phủ cũng đã họp trực tiếp với các tỉnh thành về các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương. “Vừa qua Thủ tướng cũng cho phép riêng về mặt thời gian thì nghị định, thông tư có thể dùng thủ tục rút gọn. Tức là ký xong thì có hiệu lực ngay nhưng quy trình làm rất bài bản, được đánh giá tác động" - Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

“Hai cơ quan được giao là Bộ TN&MT cùng với Bộ Xây dựng đã có những bộ hồ sơ đánh giá tác động đầy đủ, tác động tốt, hiệu quả nếu Luật có hiệu lực sớm” – ông nói và giải thích Luật có hiệu lực sớm sẽ giải quyết được các tồn đọng, vướng mắc.

Ví dụ, người dân đang rất mong chờ Luật có hiệu lực để được cấp giấy sử dụng đất với những thửa đất không tranh chấp, vi phạm pháp luật từ 1-7-2014 trở về trước. “Làm sớm ngày nào thì người dân được hưởng lợi ngày đó” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.

du-an-1-luat-sua-4-luat-3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ.

Như vậy, việc Luật ban hành sớm mà có lợi cho đất nước, người dân, doanh nghiệp thì triển khai.

Chẳng hạn, có nhiều địa phương xin thí điểm việc chuyển đất lúa, đất rừng từ 10 ha phải trình lên Chính phủ thì giờ Luật Đất đai đã phân cấp, thủ tục hành chính cũng được rút ngắn sẽ giúp thu hút, giải quyết các dự án đầu tư và khơi dậy được nguồn lực đất đai.

“Chính phủ rất quyết tâm làm ngày làm đêm, Chính phủ cam kết và quyết tâm tâm ban hành sớm các nghị định hướng dẫn” – ông nhấn mạnh.

Về phía địa phương, theo bộ trưởng TN&MT, các hướng dẫn của địa phương được tiến hành song song nhưng vẫn mang tính kế thừa là nhiều, không mang tính đánh giá tác động lớn. “Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương và thực hiện song song đồng hành cùng các dự thảo Nghị định hướng dẫn. Tôi thấy các địa phương vẫn đang sẵn sàng” – ông Khánh nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho các luật này đã thể chế hóa được nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; đồng thời khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Cạnh đó, cũng có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo ra được động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn chứng một dự án đầu tư ở TP.HCM, ông Ngân nói nếu luật có hiệu lực từ ngày 1-8 thì việc triển khai sẽ rất thuận lợi. “Như vậy, khi Luật sớm có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích mong đợi” – ông nhìn nhận.

chu-tich-phan-van-mai-tp-hcm-dang-tich-cuc-chuan-bi-cho-viec-thuc-hien-1-luat-sua-4-luat.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: NT

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn khi luật có hiệu lực sớm hơn thì sẽ tác động như thế nào đến những tranh chấp (nếu có). Từ đó, ông đề nghị nên xem xét, bổ sung một điều khoản về việc giải quyết các tranh chấp xảy ra khi luật này có hiệu lực.

Trước những lo lắng về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ không kịp vào 1-8, ông Ngân cho biết Luật Đất đai có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, HĐND, UBND tỉnh thành quy định. Do vậy, nếu có lùi thời điểm có hiệu lực của luật tới ngày 1-1-2025 thì cũng chưa chắc đã có đủ các văn bản hướng dẫn liên quan.

“Cần tạo ra áp lực để các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các văn bản được ban hành có giá trị lâu dài, tránh trường hợp ban hành xong lại phải điều chỉnh” – ĐB Ngân nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm