Bộ trưởng VH-TT&DL nói về 256.250 tỉ đồng sẽ chi cho phát triển văn hóa

(PLO)- Nói về nguồn lực đầu tư cho chương trình phát triển văn hóa, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng tiền nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là cách cho.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-6, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo đề xuất, tổng mức đầu tư của chương trình là 256.250 tỉ đồng, thực hiện trong 11 năm.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu góp ý về nhiều vấn đề như nguồn lực đầu tư cho chương trình, sự trùng lắp giữa các chương trình, ngân sách phân cấp cho chương trình...

Con người luôn là chủ thể của mọi sáng tạo

Giải trình về vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng con người luôn là chủ thể sáng tạo của mọi vấn đề, do vậy phải được lồng ghép trong tất cả các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Bộ trưởng khẳng định để xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia là rất rộng, không chỉ là một chương trình đầu tư công. “Nếu chỉ là chương trình đầu tư công cho một dự án đầu tư công chắc sẽ dễ hơn rất nhiều” – ông nói và nhìn nhận vấn đề rất khó nhưng khó vẫn phải làm.

Đại biểu nói chi 256.000 tỉ đồng phát triển văn hóa là quá lớn, Bộ trưởng VH-TT&DL nói 'quan trọng là cách cho'
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình tại phiên thảo luận sáng 19-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Hùng cho rằng phải đặt văn hóa ngang với chính trị. Cũng vì lẽ đó, hôm nay Quốc hội bàn nhưng Quốc hội kỳ sau mới triển khai thực hiện. Trong thực tế, Quốc hội đã từng quyết định thông qua những dự án đầu tư với khoảng 147.000 tỉ đồng.

“Vấn đề ở đây là chúng ta nhận thức và tiếp cận theo hướng nào để thảo luận” – Bộ trưởng VH-TT&DL nói và bày tỏ vui mừng khi được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.

Về vấn đề chương trình có vi phạm luật Đầu tư công, Bộ trưởng Hùng cho biết đã nghiên cứu rất kỹ, tiếp thu, kế thừa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà Quốc hội phê duyệt. Khi xây dựng, Bộ cũng lấy ý kiến tất cả bộ ngành, địa phương, các nhà khoa học… và mọi người cũng đồng ý phương án tiếp cận đưa ra.

“Đó là cách tiếp cận không bỏ sót và luôn thấy được mối quan hệ giữa văn hóa - con người” – ông nói và cho biết khi xây dựng chương trình cũng đã dựa vào các quy định Nghị định 27/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về ý kiến các đại biểu cho rằng cần có danh mục dự án cụ thể, Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết sẽ tiếp thu và cùng các bộ, ngành, địa phương tính toán. “Chúng tôi không thể tự vẽ ra danh mục cho địa phương, đơn vị. Sau khi Quốc hội có nghị quyết thì mới triển khai được, còn giờ đòi hỏi có dự án nào, sửa cái gì, dự án nào thì không thể có ngay được” – ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Về ý kiến có trùng lặp giữa các chương trình không, Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết đã rà soát ba chương trình mục tiêu quốc gia thì không thấy có sự trùng lặp nào.

Nói về nguồn lực đầu tư cho chương trình, Bộ trưởng VH-TT&DL cho rằng tiền nhiều hay ít không quan trọng. “Cơ bản là cách cho chứ không phải cho bao nhiêu. Cách nhìn của chúng ta như thế” – một lần nữa ông nhấn mạnh và cho rằng đây không phải vấn đề quá lớn nếu đại biểu có sự cảm thông, chia sẻ.

Về việc thành lập trung tâm văn hóa ở nước ngoài, ông nói mọi người đều có quyền hưởng thụ tiếp cận giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng đã khẳng định kiều bào luôn là bộ phận máu thịt của dân tộc. Bộ trưởng VH-TT&DL tiếp: “Chúng tôi cũng không đề xuất xây dựng ở tất cả các nước mà chỉ có cộng đồng nào đông người Việt Nam nhất theo thứ tự và sau này Chính phủ báo cáo Quốc hội các dự án cụ thể”.

"Về vấn đề ngân sách phân cấp, chúng tôi đề xuất đóng góp chung của các địa phương là 24,6%. Con số này đã tính toán đến yếu tố đặc thù là có nhiều địa phương đã dùng tiền của địa phương để tự cân đối, có đầu tư thì gánh cho phần của các đơn vị, địa phương khác…"- Bộ trưởng VH-TT&DL nói.

dai-bieu-noi-chi-256-000-ti-dong-phat-trien-van-hoa-la-qua-lon-bo-truong-vh-tt-dl-noi-quan-trong-la-cach-cho-vu-thi-luu-mai.jpg
Đại biểu Vũ thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng nguồn lực đầu tư gấp 14 lần giai đoạn trước

Nêu ý kiến trước đó, đại biểu Vũ thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng tổng nguồn lực được đề xuất thực hiện cho cả giai đoạn là 256.250 tỉ đồng là con số rất lớn so với thực lực ngân sách. Con số này lớn hơn gấp 14 lần so với số chúng ta thực hiện trong giai đoạn 2011-2020.

Hơn nữa, bà cũng cho rằng hiện chúng ta chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính năm năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất một con số như trên là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công.

“Tờ trình có nêu mức đầu tư này dựa vào báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước. Tuy nhiên, tại Báo cáo 2016, Hội đồng thẩm định nhà nước đã khẳng định là "chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030” – bà Mai dẫn chứng và nói thêm tại báo cáo của Kiểm toán nhà nước cũng nêu rất rõ là "chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn"…

Về huy động nguồn cho ngân sách trung ương, theo bà Mai việc chương trình dự kiến sẽ lấy nguồn thu từ xổ số kiến thiết, tiền chuyển quyền sử dụng đất… là trái với Luật Ngân sách nhà nước, vì đây là số thu để lại cho ngân sách địa phương 100%.

“Vì vậy, tôi cho rằng cần rà soát thận trọng, thu hẹp mục tiêu và trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn thì đưa ra một con số phù hợp, đảm bảo hài hòa và công bằng với các mục tiêu bức thiết khác” – bà đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm