Đề nghị có quy định sử dụng 2% kinh phí công đoàn khi xảy ra biến cố như COVID-19

(PLO)- Các đại biểu đề nghị có quy định để sử dụng quỹ, nguồn kinh phí công đoàn hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp trong khi xảy ra những biến cố như dịch COVID-19.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (18-6), theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, tại buổi thảo luận đã có 78 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về các nội dung của dự án Luật, một đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.

de-nghi-co-quy-dinh-su-dung-2-kinh-phi-cong-doan-khi-xay-ra-bien-co-nhu-covid-19-luat-cong-doan.jpg
Các đại biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn sửa đổi ngày 8-6. Ảnh: QH

Đề nghị xem xét giảm kinh phí công đoàn 2%

Liên quan đến vấn đề tài chính của công đoàn, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn phí 2% nhưng cần bổ sung những quy định nhằm công khai, minh bạch và đảm bảo phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người lao động. Đồng thời có báo cáo đầy đủ về tình hình thu, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí 2% thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề nghị bổ sung quy định định kỳ thực hiện thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này.

Cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành nhưng cần làm rõ các khoản thu khác của công đoàn, làm rõ hơn những khoản thu nào phải điều chỉnh theo Luật Ngân sách nhà nước và khoản thu nào phải điều chỉnh theo Luật công sản.

Có ý kiến đề nghị xem xét mức kinh phí công đoàn 2% để giảm bớt sự khó khăn cho những người sử dụng lao động; không thu kinh phí công đoàn 2% đối với đơn vị đã có tổ chức đại diện của người lao động khác vì công đoàn không đại diện cho người lao động trong tổ chức này

Một số ý kiến băn khoăn về tỉ lệ 2%, cách thức sử dụng trong thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến công đoàn, đặc biệt là liên quan đến hỗ trợ thất nghiệp, đào tạo giải quyết việc làm trong hỗ trợ người lao động. Cạnh đó là đảm bảo điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn nhưng cũng không tạo ra gánh nặng cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động...

“Có ý kiến đề nghị xem xét quy định lộ trình giảm dần tỉ lệ kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng và giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này để có sự khách quan, linh hoạt” – báo cáo nêu.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc về quy định miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp vì kinh phí này chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí doanh nghiệp. Hơn nữa điều này còn có thể tạo kẽ hở để doanh nghiệp trốn đóng kinh phí công đoàn...

Đề nghị có quy định sử dụng 2% kinh phí công đoàn khi xảy ra biến cố như COVID-19
Một buổi sinh hoạt chuyên đề của cán bộ công đoàn ở TP.HCM. Ảnh minh họa: KHA NHIÊN

Có quỹ để sử dụng khi xảy ra biến cố như COVID-19

Đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (khoản 2, Điều 30), có 14 ý kiến lựa chọn phương án 1 và đề nghị phương thức, tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn được nêu cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền; bổ sung thêm nguyên tắc để Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng thời, bổ sung quy định nguyên trong dự thảo luật như quy định tỉ lệ tối đa 25% cho công đoàn cấp trên và tối thiểu 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; nội dung chi, thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan quản lý sử dụng nguồn kinh phí này để bảo đảm nguồn kinh phí được sử dụng hiệu quả.

Cũng có ý kiến lựa chọn phương án 2 và đề nghị làm rõ cơ sở, căn cứ đề xuất tỉ lệ phân chia như quy định tại dự thảo Luật và việc sử dụng các nguồn tài chính như thế nào.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ việc sử dụng kinh phí công đoàn 2%, việc sử dụng tài sản của công đoàn trong thời gian qua. Cạnh đó, đánh giá cụ thể, cung cấp số liệu về mức đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ tỉ lệ phân định kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời tính toán, dự kiến các số liệu này và làm rõ tính khả thi trong bối cảnh thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu để bổ sung thêm các quy định về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch như thời gian COVID-19 vừa qua. Song song đó có quy định để sử dụng quỹ, nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp trong quá trình khi có những biến cố như COVID-19 xảy ra.

Về vấn đề công khai tài chính công đoàn, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ hơn về công khai minh bạch nguồn thu phí công đoàn 2%. Tuy vậy, có ý kiến đề nghị quy định các cấp công đoàn phải thực hiện công khai tài chính hàng năm tại hội nghị Ban chấp hành công đoàn và bằng hình thức đưa lên trang thông tin điện tử. Qua đó, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin đến các công đoàn viên và các phương tiện thông tin đại chúng để các công đoàn viên có thể tiếp cận một cách dễ nhất và giám sát.

Có ý kiến đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thì phải thực hiện công khai tài chính công đoàn.

Khoản 2 Điều 30 dự thảo luật đề xuất hai phương án quy định tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Phương án 1: “Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.

Phương án 2: “Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm