Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí cần mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí cần mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới

(PLO)- Để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng mỗi cơ quan báo chí hãy mạnh dạn thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, dù sẽ có rủi ro nhưng qua đó rút ra kinh nghiệm để có những thành công khác sau này.

Báo chí toàn cầu hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của công nghệ 4.0 và nhất là các loại hình mạng xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số đó, các cơ quan báo chí, nhà báo ở Việt Nam lại càng cần có những hành động cụ thể, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề kinh tế báo chí nhưng cũng khẳng định vị thế và thực hiện vai trò tiên phong, sứ mệnh đã được trao cho.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng để phát triển thì mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc riêng, thế mạnh của mình để tạo ra những mô hình kinh doanh phù hợp. Đặc biệt hơn cả, theo ông, báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu, đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với độc giả và phải hiểu độc giả của mình là ai để đưa ra những nội dung phù hợp.

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí cần chấp nhận rủi ro, mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh doanh mới
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Xây dựng cách nhận diện thương hiệu tờ báo

. Phóng viên: Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ hiện nay, báo chí đang đứng trước vô vàn những thách thức, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí. Theo ông, các cơ quan báo chí cần có những chuyển động như thế nào để phát triển và khẳng định mình?

+ Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu. Các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể và điều quan trọng là phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in.

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra hình thức thu phí đọc tin bài đối với độc giả của mình. Có những mô hình như ở The New York Times có khi lên tới 10 triệu người đăng ký nhưng đa phần những mô hình khác chỉ loanh quanh từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn lượt người đăng ký.

Một thực tế là ban đầu số đăng ký, đăng nhập có thể rất lớn nhưng sau đó nếu tờ báo không tạo được sự khác biệt thì tỉ lệ người dùng hủy cũng rất cao.

Tôi cho rằng đây là bài toán kinh tế. Không phải cứ nhiều người đăng ký thì sẽ thu được nhiều tiền. Nhiều đơn vị họ có những cơ chế thu hút độc giả rất linh hoạt như xây dựng các gói combo để bán cho khách hàng, và vì họ ở một vị thế rất đặc biệt nên tiêu chuẩn đề ra rất cao, tiền thu được cũng rất nhiều.

Ngoài ra, việc thuyết phục độc giả chi tiền để đọc tin tức không phải dễ dù mức phí có khi chỉ khoảng 8-20 USD/tháng. Tuy vậy, thu phí cũng chỉ là một trong rất nhiều cách để các cơ quan báo chí tạo nguồn thu từ độc giả. Thực tế đã chứng minh việc tạo ra các nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu cơ hội gia tăng.

Ngoài thu phí nội dung thì có nhiều cách thức khác để thu phí người dùng, chẳng hạn như lập membership. Mỗi người khi đóng một khoản phí thành viên sẽ được hưởng những quyền lợi về ưu tiên tham dự các sự kiện; xem trước những ấn phẩm, nội dung đặc biệt; tham gia các hoạt động tương tác với người dùng trung thành hay mua sản phẩm với giá ưu đãi…

Báo chí phải đa dạng các nguồn thu chứ không nên chỉ trông chờ vào nguồn thu từ quảng cáo. Hiện nay những cách thức quảng cáo mới gần như đang bị chi phối bởi các tập đoàn công nghệ, đa số tiền đều rơi hết vào túi của họ và họ chính là những người định đoạt cuộc chơi.

Nếu chúng ta dựa vào mạng xã hội với hy vọng lan tỏa thông tin và cùng chia tỉ lệ quảng cáo thì tôi cho rằng mô hình này hoàn toàn thất bại. Mục tiêu quan trọng của mỗi tờ báo lúc này là tạo ra cách để nhận diện thương hiệu với độc giả của mình.

nha-bao-le-quoc-minh-bao-chi-can-chap-nhan-rui-ro-manh-dan-thu-nghiem-mo-hinh-kinh-doanh-moi-phong-vien-tac-nghiep.jpg.png
Các phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức hồi tháng 3 tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Báo chí giải pháp lên ngôi

. Như ông vừa nói, nếu báo chí chỉ trông chờ vào mạng xã hội thì đó sẽ là những thất bại. Cụ thể vấn đề này là như thế nào?

+ Sự hợp tác giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội vẫn đang là cuộc tranh luận đúng sai nhưng theo tôi cho việc đuổi theo các ông lớn về công nghệ là rất rủi ro.

Chẳng hạn khi Facebook thử nghiệm Facebook Watch hay một chiến lược nào khác, họ sẵn sàng chi tiền cho một số cơ quan báo chí để sản xuất nội dung… Tuy nhiên, sau một thời gian chiến lược đó nếu không còn phù hợp thì họ sẽ không hợp tác nữa, lúc này các cơ quan báo chí lại lúng túng vì đã bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng công nghệ, đào tạo nhân sự…

Hay hôm nay họ dùng thuật toán này để kéo nội dung nhưng có thể ngày mai lại thay đổi thuật toán khác. Và nếu cứ chạy theo họ thì các cơ quan báo chí sẽ rất mệt mỏi.

Rõ ràng, khi Google, Facebook hay một số nền tảng mạng xã hội khác hoàn toàn thao túng được thị trường thì họ sẽ có quyền định đoạt luật chơi. Sự phụ thuộc vào những tập đoàn công nghệ sẽ tạo ra một thách rất lớn trong tương lai đối với báo chí.

Khi mạng xã hội ra đời, chúng ta sử dụng nó với một hy vọng là kết nối bạn bè, người thân… Mục tiêu đề ra ban đầu là rất tốt đẹp nhưng giờ đây khi truy cập vào mạng xã hội thì đa phần chỉ thấy sự nhảm nhí, đôi khi là cảm thấy “sợ hãi” những nội dung xuất hiện trên đó.

Dù vậy, tôi cho rằng thói quen, hành vi của người dùng chắc chắn sẽ khiến các nền tảng công nghệ phải sớm thay đổi nếu họ muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Bởi không ai muốn bước vào một sân chơi mà ở đó toàn là "rác".

Lâu nay báo chí dường như chỉ thích nói chuyện tiêu cực vì cho rằng điều đó sẽ thu hút người xem, tuy nhiên chúng ta đang thấy có tình trạng “né tránh tin tức”. Người ta không còn muốn mỗi buổi sáng ra sẽ chỉ thấy toàn là tin chiến trận, tin bệnh tật, tin về những vấn đề tiêu cực… Thay vào đó, họ mong muốn đọc được những thông tin tích cực, những nội dung mang tính giải thích, giải pháp hay những thông tin mang tính truyền cảm hứng… Đó là lý do vì sao thời gian qua báo chí giải pháp, báo chí xây dựng… đã lên ngôi.

Có một thời chúng ta chạy theo các thông tin cướp, giết, hiếp, sốc, sex, sến nhưng bây giờ đó không còn là keyword để thu hút độc giả. Việc chạy theo traffic, câu view… không còn là cách làm hữu hiệu của báo chí, đặc biệt là với báo chí chính thống.

hoi-bao-toan-quoc-2024-3-kinh-te-bao-chi.jpg
Lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tham quan gian trưng bày của báo Pháp Luật TP.HCM tại Hội báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: T.TÂM

Sứ mệnh báo chí Việt Nam – phụng sự Tổ quốc và Nhân dân

Năm 2024, chúng ta kỷ niệm 99 năm ngày thành lập báo chí Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2024). Và cũng chỉ còn một năm nữa nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ bước sang một dấu mốc rất quan trọng - 100 năm ngày thành lập.

Như đã khẳng định rất nhiều lần rằng qua thời gian, qua rất nhiều biến động với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Đó là sứ mệnh phụng sự tổ quốc, phụng sự Nhân dân, tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như cung cấp các thông tin tri thức cho người dân để phục vụ cho nhu cầu đời sống cũng như công việc của họ.

Báo chí hiện đại đang đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo liên tục, do đó tôi mong các cơ quan báo chí sẽ chuyển đổi số thành công, có cách thức làm báo chuyên nghiệp, đồng thời chú trọng hơn nữa về chất lượng nội dung để giữ chân độc giả cũ, lôi kéo độc giả mới, duy trì vai trò tiên phong trong cung cấp thông tin, tri thức cho xã hội.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Cơ quan báo chí phải biết đâu là điểm mạnh của mình

. Xu hướng mô hình tổ chức sự kiện của các cơ quan báo chí đang phát triển rất mạnh mẽ, liệu điều này có gây ra trở ngại gì?

+ Tôi cho rằng điều này không có gì đáng ngại, quan trọng là mỗi cơ quan báo chí phải biết được đâu là điểm mạnh của mình. Không phải cứ thấy người khác tổ chức sự kiện thành công thì có nghĩa mình cũng sẽ tổ chức thành công.

Có những đơn vị mạnh về tài chính thì họ sẽ chuyên tổ chức sự kiện về tài chính, bất động sản… Và cứ sau mỗi sự kiện như vậy, các doanh nghiệp, đơn vị nhìn thấy được kết quả thì họ sẽ lại tìm đến với mình.

Một số cơ quan báo chí hiện đã coi xu hướng tổ chức sự kiện là việc rất quan trọng, quyết định đến một phần sống còn của chính họ.

. Xu hướng lựa chọn mô hình tổ chức sự kiện cũng phản ánh mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Vậy theo ông, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp đã có cải thiện hơn so trước đây?

+ Tại Hội báo toàn quốc 2024 tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, chúng tôi cũng đã có một phiên trao đổi riêng về vấn đề này.

Trước đây doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào ngoài báo chí. Tuy nhiên trong bối cảnh nở rộ nhiều phương thức để quảng cáo như hiện nay, nơi nào có phương thức hiệu quả thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn để đổ tiền vào.

Chúng tôi đã đặt ra vấn đề, cùng bàn luận để tìm ra những phương thức kết nối thỏa đáng nhất giữa báo chí và doanh nghiệp. Trong đó đi sâu phân tích việc khi không còn quảng cáo, báo chí bị co hẹp, thậm chí là chết đi thì liệu có mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp hay không.

Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thuyết phục doanh nghiệp dành một phần chi phí thỏa đáng đưa quảng cáo của họ lên hệ thống báo chí chính thống. Đây cũng là một phần trách nhiệm để góp phần nuôi dưỡng, chung tay phát triển nền báo chí nước nhà. Bởi khi không còn báo chí nữa thì độc giả cũng có thể sẽ lựa chọn những nền tảng, kênh tương tác khác để tìm kiếm nội dung; nhưng liệu có ai dám chắc đó là nội dung chính thống có lợi cho doanh nghiệp.

nha-bao-le-quoc-minh-bao-chi-can-chap-nhan-rui-ro-manh-dan-thu-nghiem-mo-hinh-kinh-doanh-moi-kinh-te-bao-chi.jpg
Các đại biểu tham gia Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, tổ chức tại Hà Nội ngày 14-6. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Dám thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro

. Ngoài các tờ báo thì vấn đề kinh tế báo chí cũng đang đặt ra những thách thức rất lớn với các kênh truyền hình, ông có nhìn nhận gì về việc này?

+ Đây là khó khăn chung không chỉ với truyền hình mà còn với mọi cơ quan báo chí. Càng ngày quảng cáo càng có sự dịch chuyển lên các nền tảng digital (nền tảng số) thay vì nền tảng truyền thống. Chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp tăng nhưng chủ yếu là đổ sang nền tảng số; còn với phát thanh, truyền hình, báo in có nội dung số thì con số này chỉ chiếm phần rất nhỏ.

Chúng tôi cũng từng kỳ vọng phần doanh thu này dù nhỏ nhưng phần nào cũng giúp duy trì sự tăng trưởng cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên trong những năm qua đã có lúc phần doanh thu này đi ngang hoặc thậm chí đi xuống. Do vậy, cũng khó để lạc quan rằng doanh thu của báo chí trên các nền tảng số có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

. Vậy những giải pháp cấp thiết cho kinh tế báo chí hiện nay là gì?

+ Trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng khó khăn vì rất nhiều lý do khách quan thì còn có lý do chủ quan là hầu hết các cơ quan báo chí vẫn chỉ trông chờ vào nguồn thu quảng cáo. Vậy nhưng chúng ta cứ đứng nhìn nó ngày càng suy giảm, 'bất động, tuyệt vọng' nhìn tiền cứ rơi khỏi túi mà không đưa ra được biện pháp nào để khắc phục.

Rất nhiều mô hình kinh doanh của nước ngoài và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu 3-4 mô hình kinh doanh thì mới bảo đảm thành công. Nếu chỉ loay hoay với một mô hình quảng cáo đang ngày một suy giảm thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã thực hiện đa dạng hóa nguồn thu theo nhiều cách như quảng cáo truyền thống, thực hiện tường thu phí, làm truyền thông, tổ chức sự kiện, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin… và báo chí Việt Nam có thể tìm kiếm, thử nghiệm trong số này những mô hình phù hợp với mình.

Mỗi cơ quan báo chí hãy dựa vào khả năng của mình, “liệu cơm gắp mắm” và phải linh hoạt, dám thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro.

Tôi cho rằng chúng ta cứ mạnh dạn thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới. Tất nhiên không phải mô hình kinh doanh nào cũng thành công nhưng từ đó sẽ rút ra kinh nghiệm để có những thành công khác sau này.

Không thể trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước

. Phóng viên: Theo ông, Nhà nước có nên hỗ trợ cho các cơ quan báo chí trong việc phát triển kinh tế báo chí?

+ Ông Lê Quốc Minh: Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhưng không có Nhà nước nào bao cấp cho báo chí mãi được. Nếu có cũng chỉ ở một chừng mực nhất định.

Vì vậy quan trọng hơn cả vẫn là sự tự thân của mỗi cơ quan báo chí, tìm ra những cách khác nhau để tạo ra nguồn thu. Đơn cử như tham gia vào truyền thông chính sách và phải làm hiệu quả chứ không phải theo cơ chế xin-cho.

Mỗi bộ, ngành luôn có một khoản kinh phí để truyền thông và họ sẽ nhắm đến nơi nào làm có hiệu quả để đấu thầu, đặt hàng chứ không phải mang chia đều cho các cơ quan báo chí.

Hay đơn giản thị trường quảng cáo hiện nay đang ngày càng teo tóp nhưng thực tế “miếng bánh” vẫn còn. Câu chuyện đặt ra là làm sao để chúng ta có thể giành được thị phần và điều này phải dựa vào sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí.

Ngoài ra, việc tạo ra những sản phẩm mới cũng đang là xu hướng của báo chí. Nếu chúng ta tạo dựng được các sản phẩm đặc thù, có ý nghĩa với thị trường như đi sâu phân tích các vấn đề về bất động sản, doanh nghiệp, doanh nhân… thì khi đó sẽ có cơ sở để thuyết phục các cơ quan, đơn vị bỏ tiền ra đầu tư.

*****

Ý KIẾN (*)

Thứ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN HUY DŨNG

5 tờ báo đã triển khai thu phí báo điện tử

thu-truong-bo-tt&tt-nguyen-huy-dung.jpeg
Ảnh: LÊ ANH DŨNG

Hiện có năm cơ quan báo chí ở Việt Nam đã triển khai thu phí nội dung trên báo chí điện tử, gồm báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc café (Tạp chí Lao động và Công đoàn…)

Các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam cũng mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.

----

Tiến sỹ ĐỖ ANH ĐỨC, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chạy theo view có thể khiến báo chí phải trả giá đắt

Báo chí thu phí là một hướng đi khả quan. Các cơ quan báo chí thành công trên thế giới đều hướng vào nội dung để phát triển và thu phí người dùng. Nói cách khác, muốn người dùng trả phí thì trước hết phải có nội dung chất lượng. Tuy nhiên, như thế nào là nội dung chất lượng và thu phí độc giả là thu như thế nào lại là những câu hỏi không dễ trả lời.

ts-do-anh-duc-nhan-van-ha-noi.jpeg
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Nhiều người cho rằng cần phải thêm ‘gia vị’ vào tin tức, phải biết cách ‘giật tít’, ‘câu view’ thì mới có nhiều người xem. Nhiều tờ báo cũng đang trả nhuận bút theo lượt xem, tương tác. Nhưng điều này có thể khiến báo chí phải trả giá đắt, nếu chạy theo lượt xem, phải hạ chuẩn giá trị nghề nghiệp và dần mất niềm tin, cũng như sự tôn trọng của độc giả.

Điều cốt lõi trong chiến lược nội dung là phải tạo ra những nội dung độc đáo, giá trị, có tính đặc thù của chính cơ quan báo chí đó.

(*) Ý kiến được các diễn giả ra nêu ra tại các phiên thảo luận Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, tổ chức tại Hà Nội ngày 14-6.

Đọc thêm