Nhà báo Lê Quốc Minh: 'Báo chí không nên chạy theo mạng xã hội'

(PLO)- Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo và đi trước mạng xã hội là không thực tế. Báo chí chính thống không nên chạy theo mạng xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Trong những sự kiện nóng hiện nay như thay đổi nhân sự cấp cao, hiện tượng tu theo hạnh đầu đà, hay các vụ việc quấy rối tình dục, liệu có phải báo chí chính thống đang “nhường sân” cho KOLs và mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin cho người dân?".

Đây là nội dung chính nằm trong toạ đàm báo chí và mạng xã hội do CLB Cafe Số tổ chức chiều nay, 14-6.

Báo chí không cần cạnh tranh với mạng xã hội

Diễn giả chính tại tọa đàm là nhà báo Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân. Nhìn vào chủ đề của tọa đàm, nhà báo Lê Quốc Minh nhận định: “Xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là thật. Dù vậy, báo chí chính thống không nên chạy theo mạng xã hội”.

Lê Quốc Minh.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định: “Báo chí không nên chạy theo mạng xã hội”. Ảnh: TT

Lập luận của ông Minh dựa trên thống kê cả nước hiện có khoảng 40.000 người làm báo, trong đó 25.000 người có thẻ nhà báo. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân. Nếu mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận thông tin và trở thành một kênh thông tin.

“Số lượng người làm báo chỉ như giọt nước trong biển người có thể cung cấp thông tin. Do vậy, đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo và đi trước mạng xã hội là không thực tế” - nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.

Ngoài ra, nếu khiên cưỡng đặt lên bàn cân để so sánh rằng báo chí chính thống hay mạng xã hội đang thắng, theo ông Minh, việc này cần có tiêu chí rõ ràng.

Chẳng hạn, lấy tính công bằng, đa nguồn, thông tin đã được xác minh… làm tiêu chí, thì các tổ chức khác và các kênh thông tin trên mạng xã hội không thể bằng được báo chí chính thống. Còn nếu so sánh về tốc độ thì rõ ràng báo chí hẳn là không thể cạnh tranh được với mạng xã hội.

"Nhưng chúng ta không cần lấy sở trường của họ để so sánh với sở đoản của mình, bởi nhiều yếu tố khác họ không thể cạnh tranh được với chúng ta” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, không thể phủ nhận thực tế hiện nay báo chí chính thống đã khá chậm trong việc cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho công chúng.

“Báo chí từng có khoảng thời gian tự tin rằng không ai sánh được với mình, rằng mình cung cấp thông tin gì thì công chúng đọc thông tin đó. Nhưng giờ đây không phải như thế. Công chúng lên mạng là như lao vào một biển thông tin, chủ động và bị động tiếp nhận thông tin. Báo chí không còn là kênh độc quyền trong việc cung cấp thông tin” - nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Nhà báo Lê Quốc Minh.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TT

Báo chí cần xây dựng chiến lược truyền thông xã hội

Chia sẻ với những người làm báo ở thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng lúc này, cơ quan báo chí nào cũng nên xây dựng chiến lược truyền thông xã hội phù hợp để chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn đối với bạn đọc, trong đó cần tận dụng triệt để công nghệ.

“20 năm trước, tôi đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong báo chí, rằng công nghệ là phần không thể tách rời của báo chí. Lúc đó không nhiều người thống nhất quan điểm này. Các cơ quan báo chí giai đoạn đó quá tự tin vào bản thân mà quên đi việc chuẩn bị cho thời kỳ mà công nghệ phát triển mạnh mẽ” - ông Minh cho biết.

Giai đoạn trước đây, khi muốn biết thông tin, người dân phải mua báo giấy, bật đài, mở tivi… Nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, bạn đọc chỉ cần tìm thông tin mình quan tâm một lần, những lần sau thông tin sẽ tự tìm bạn đọc.

“Nếu không có công nghệ thì không thể làm được điều này. Nội dung vẫn là "vua", nhưng công nghệ giờ là "nữ hoàng".

Báo chí cần tận dụng công nghệ để xây dựng chiến lược truyền thống mạng xã hội hiệu quả, phân phối thông tin trúng đích” - ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Tại tọa đàm, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, cũng cho rằng báo chí nên đi theo con đường, định hướng đã lựa chọn. Cần tận dụng công nghệ để đổi mới chính mình, hướng tới chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình và không cần phải so sánh với bên nào.

Theo ông Lê Nghiêm, sứ mệnh của báo chí khác hẳn với mạng xã hội. Báo chí cần tuyên truyền có hệ thống, tham gia xây dựng chính sách và chủ trương mới, phản biện, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực có chiều sâu, tìm kiếm sự thật và đưa sự thật đến bạn đọc.

“Đây đều là những điều mà mạng xã hội không làm được. Nhưng chúng ta cần chiến lược truyền thông mạng xã hội để đưa những điều đó đến với bạn đọc nhanh hơn” - nhà báo Lê Nghiêm kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm