Các nước xây hồ, đập có thể ảnh hưởng đến nước ta

Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phản ánh tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về dự án Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) sáng 5-11.

ĐB Vẻ nêu ra những con số đáng lo ngại: “Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông Mê Kông và 52 thủy điện, hồ chứa trên lưu vực sông Hồng với tổng dung tích khoảng 2,5 tỉ m3. Lào đã và đang xây dựng 35 công trình thủy lợi, thủy điện, Thái Lan đã có 10 hồ chứa vừa và lớn và đang có kế hoạch xây thêm…”. Từ đó ĐB Vẻ cho rằng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến các nước hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam. Vì vậy khi xây dựng Luật KTTV phải đặc biệt lưu ý tới nội dung này.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị cần bổ sung nội dung “hợp tác quốc tế trong các hoạt động quốc tế có liên quan đến KTTV của quốc gia” vào Điều 46 dự thảo luật. “Ví dụ, các nước láng giềng đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng Mê Kông và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thủy văn của ĐBSCL. Việc quy định này cho phép chúng ta có thể đàm phán hay phản đối các hoạt động quốc tế có ảnh hưởng đến KTTV của quốc gia” - ĐB Phương nói.

Bên cạnh đó, các ĐB Quốc hội đều đồng ý phải xử lý nghiêm việc dự báo KTTV sai, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, không ít ĐB băn khoăn vì dự luật không quy định rõ “thế nào là dự báo sai, gây hậu quả nghiêm trọng” để quy trách nhiệm bởi công tác dự báo vốn đã có sai số… ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói: “Khi dự báo KTTV thiếu chính xác, gây hậu quả thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm thế nào. Đây cũng là một quy định rất chung, có lẽ khó có thể đưa ra những chế tài để xử lý việc dự báo thiếu chính xác”. Từ đó ông Minh đề nghị chỉ nên quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về những hành vi của mình được pháp luật quy định trong quá trình hoạt động nhiệm vụ để đưa ra dự báo, cảnh báo KTTV” thì sẽ đảm bảo được tính cụ thể, minh bạch, khả thi của luật và khách quan hơn.

Sáng 5-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo trước Quốc hội về đề nghị phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nghị định thư này (Hiệp định WTO) bổ sung thêm hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (Hiệp định TF) vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Mục đích của Hiệp định TF là xóa bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phi thuế quan đối với thương mại, giúp đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thương mại… “Việc phê chuẩn nghị định thư sửa đổi thể hiện rõ Việt Nam hoàn toàn chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm