Cơ quan chức năng của Đức xử phạt chủ yếu dựa vào hình ảnh ghi lại từ các camera được bố trí dày đặc trên tuyến phố, khu dân cư.
Một biện pháp hữu hiệu không kém đó là sử dụng tin báo từ người dân. Theo đó, các công dân Đức vô cùng ý thức trong vấn đề này. Chỉ cần phát hiện người có hành vi sai, họ sẽ lập tức gọi báo cảnh sát. Một khi được cảnh sát mời lên “hỏi chuyện”, người vi phạm thường sẽ chịu nhận tội. Lý do là nếu sự việc được đưa ra tòa và chứng minh lỗi sai thuộc về ai thì phía đó phải chịu án phí cực kỳ cao.
Trong khi đó ở Nhật Bản, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị sẽ bị xử rất nặng và lực lượng chức năng luôn theo đuổi đến cùng. Ở đây còn có hệ thống camera quan sát vô cùng hiện đại, dù người vi phạm che chắn đến đâu, chỉ cần “mắt thần” quét qua đôi mắt của nghi phạm là đã có thể chỉ đích danh người đó. Khi cần thiết đối chiếu hình ảnh, tủ quần áo của người này còn có thể bị lục tung để tìm ra đúng bộ quần áo mặc lúc “gây án”. Người vi phạm lỗi này thường sẽ tái phạm, do đó lực lượng cảnh sát khi đặt nghi vấn sẽ bố trí người theo dõi, thu thập bằng chứng chắc chắn rồi mới xử phạt. Ở Nhật người ta cho phép việc chụp ảnh người làm xấu bộ mặt đô thị rồi dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo.
Một người dân vô tư tiểu bậy giữa phố.
Trong khi đó, Singapore ngoài camera giám sát, họ còn huy động đội ngũ tình nguyện viên để ngăn chặn việc xả rác. Lực lượng này làm việc rất hiệu quả, phát hiện và xử lý được hàng ngàn vụ việc. Mức phạt ở nước này thường tăng lũy tiến theo số lần vi phạm. Người xả rác không chỉ mất tiền phạt mà còn phải dọn sạch khu vực công cộng trong 12 giờ. Các phương tiện truyền thông địa phương sẽ được mời đến để ghi lại việc này.
Tại Hong Kong, người ta sử dụng biện pháp truy tìm ADN từ mẩu rác của người vứt để phân tích, từ đó phác thảo chân dung rồi dán khắp phố để thông báo về người đã xả rác bừa bãi.
Phải thống nhất và có lộ trình Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Các đề xuất của Sở TN&MT TP.HCM như giao quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính cho đội quản lý trật tự đô thị, đội thanh tra xây dựng, sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý vi phạm… đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại cơ sở. Các đề xuất này nếu được TP chấp thuận thì vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự góp ý của các sở/ngành, quận/huyện. Để thực hiện được phải có kế hoạch và lộ trình. Các ứng dụng trực tuyến hiện nay thể hiện nỗ lực của các quận/huyện và là một giải pháp đáng để lưu tâm. Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Không để rác rơi xuống đất PGS-TS NGUYỄN MiNH HÒA Còn nhớ những năm 2006-2010, chương trình xây dựng TP văn minh, hiện đại với sáu mục tiêu: Không rải vàng mã, không rải tờ rơi ở các ngã tư, các quán ăn không đổ nước và rác ra vỉa hè, không để bao rác tồn tại trong khu dân cư, không tiểu bậy và không bán hàng rong. Thời điểm đó chỗ nào cũng treo băng rôn, khẩu hiệu và được thực hiện triệt để. TP đã dùng các tổ chức xã hội, tổ chức nhân dân, đoàn thanh niên đi xóa chữ trên cột điện, mời cả các lực lượng tôn giáo hiến kế. Tất cả cùng vào cuộc, hoạt động đồng bộ nên gây được tiếng vang. Có một nơi trong TP làm rất tốt vấn đề văn minh đô thị, đó là Phú Mỹ Hưng với khẩu hiệu “không để rác rơi xuống đất”. Một nơi đã làm được, sao các nơi khác không làm được? Phải phát động phong trào trong từng khu phố, con hẻm để người dân coi nơi công cộng cũng như nhà mình để giữ gìn sạch đẹp. Một điếu thuốc xả ra cũng bị phạt. Khi đã quy định thì đúng ngày giờ đó là phải ra đường phạt ngay, các cơ quan công quyền phải gương mẫu, nói được làm được và làm đồng bộ, kiên quyết thì người dân mới nghe. Ngoài ra, muốn phạt thì phải có một lực lượng riêng, một đội cảnh sát cơ động là cảnh sát môi trường chỉ thuộc quản lý của TP, ngày ngày đi tuần tra, phát hiện vi phạm là phạt ngay chứ không đợi lãnh đạo ký xử phạt như hiện nay. Phạt tiền là không đủ, phải có biện pháp bổ sung như lao động công ích, khắc phục hậu quả. PGS-TS NGUYỄN MiNH HÒA, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM Nâng cao vai trò lực lượng giám sát Ông Nguyễn Văn Minh Chương trình văn minh đô thị TP từng thực hiện những năm 2006-2010 vẫn có nhiều hoạt động còn áp dụng đến nay như kẻ vạch trên vỉa hè, thu gom rác theo giờ, không được mang rác để trước cửa nhà… Mấu chốt hiện nay là phải thể hiện được vai trò của chính quyền địa phương. Từ cấp quận/huyện đến từng tổ dân phố, khu phố. Chuyện thu gom rác thải, TP cơ bản đã làm tốt, phần còn lại là xử phạt thật nghiêm theo đúng nghị định các hành vi đổ, xả, phóng uế bừa bãi. Địa phương nên tận dụng nguồn tin giám sát từ cộng đồng, tổ dân phố, khu phố. Hãy để bà con tự động viên nhau, tổ trưởng khu phố nhắc nhở người dân làm đúng. Nếu ai vi phạm sẽ bị phát hiện và truy cứu trách nhiệm ngay, phải làm nghiêm thì người dân mới thay đổi. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Bêu tên không phải là hình thức phạt Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM Về mặt pháp lý, Nghị định 155/2016 đang được áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó các hình thức xử phạt đối với hành vi xả rác, tiểu bậy đều rất rõ. Tôi không đồng ý với việc bêu tên, hình ảnh của người vi phạm ở nơi công cộng bởi việc ấy không được xem là một hình thức xử phạt. Ngược lại, nó đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định pháp luật nhưng danh dự, nhân phẩm của cá nhân phải luôn được bảo vệ. Theo tôi, việc đầu tư các cơ sở vật chất bảo vệ môi trường là điều hết sức cần thiết. Phải bảo đảm có đủ số thùng rác, nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhu cầu người dân. Nâng cao ý thức của người dân thông qua các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nên lồng ghép bảo vệ môi trường vào nội dung dạy học để tạo thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước. Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT |