Mạnh tay dẹp nạn xả rác

Đơn cử như cho phép địa phương sử dụng hình ảnh từ camera an ninh để xử phạt người có hành vi xả rác, phóng uế nơi công cộng.

Từ nhiều năm nay, một vài quận, huyện đã cầu viện đến camera và sự tố giác của người dân để bắt vi phạm nhưng hiệu quả vẫn không cao. Nguyên nhân chính là người vi phạm nhan nhản khắp nơi trong khi người quản lý, xử phạt lại quá ít. Đôi khi biết đó mà đành tặc lưỡi cho qua.

Thế nhưng đây là vấn nạn mà TP bắt buộc phải triệt để xử lý bởi từng ngày, những bãi rác tự phát vẫn phình to, kênh rạch vẫn tắc nghẽn, những góc đường, bức tường vẫn nồng nặc mùi amoniac và nhiều chất bẩn khác… Đây là nỗi xấu hổ với từng người dân, là căn nguyên làm suy giảm chất lượng sống của tất cả chúng ta.

Mới đây, vì quá bức xúc mà một lãnh đạo quận 1 đã phát biểu phải quyết liệt xử phạt và cân nhắc đến giải pháp bêu tên người vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tất nhiên việc này sẽ không thực hiện được vì trái luật, song từ đó để thấy là nếu không có chế tài hợp pháp đủ mạnh, đủ gây sức ép tương đương với việc bêu tên kia thì khó mà răn đe được đám đông.

Cán bộ Công an phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM theo dõi camera an ninh. Ảnh: T.NGUYÊN

Trước mắt, giải pháp Sở TN&MT đưa ra là khá hợp lý nhưng để thực hiện hiệu quả thì các địa phương phải tiến hành đồng bộ, phối hợp, kết hợp chặt chẽ. Hình ảnh từ camera chỉ là bằng chứng, tiếp sau đó còn cả quá trình xác minh lai lịch, truy tìm người vi phạm mà một phường, một quận đôi khi không thực hiện độc lập được. Cạnh đó, phải nghiêm túc bố trí lực lượng tập trung cho nhiệm vụ này. Phải có nhân lực giám sát chặt ở các khu phố, phát hiện điểm đen và từ camera tổ chức xử phạt hiệu quả.

Các địa phương cũng nên khuyến khích, tận dụng nguồn tin báo từ quần chúng. Hơn ai hết, người dân chứng kiến sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh chính xác nhất để nhà chức trách tìm ra người vi phạm. Cái họ cần chỉ là một kênh tiếp nhận tức thời mà điều này thì không khó trong thời đại 4.0. Bắt tay nhau, chính quyền và cộng đồng sẽ khiến kẻ có hành vi xấu phải e dè vì không biết sẽ bị “bắt giò” lúc nào.

Ai cũng biết TP.HCM có tiếng là hiện đại nhất nước nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân đi ngược với văn minh, coi lề đường, gầm cầu, kênh rạch là bô rác kiêm nhà vệ sinh công cộng… Khi Nghị định 155/2016 ra đời, mức xử phạt tăng lên rất nhiều so với Nghị định 179/2013 nhưng vẫn chưa phát huy uy lực.

Điều đó cho thấy quy định là một chuyện, còn tổ chức thực hiện mới là mấu chốt. Đề xuất của Sở TN&MT đã dọn đường, tạo điều kiện cho các địa phương duỗi dài cánh tay hơn, huy động nhiều nguồn lực hơn để quản chuyện sạch đẹp cho địa bàn mình tốt hơn.

Thiết nghĩ đã đến lúc các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm, chịu chế tài nếu thực hiện nhiệm vụ trên không tốt. Rác, chất bẩn… không như nhiều loại vi phạm ẩn mình khác, nó đập thẳng vào mắt mỗi người. Chính quyền địa phương phải thế nào nếu để trên những cây cầu, con đường, quảng trường, bến chờ xe buýt, khu dân cư… nơi phường, xã mình quản lý bừa bộn rác rến, nguồn nước, không khí ô nhiễm?

Không thể nói suông hay tuyên truyền một chiều nữa, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm chung với cộng đồng và ngược lại. Được vậy thì mới mong nhổ được ung nhọt mất vệ sinh đã bám rễ sâu trong TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm