Chị NTK (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) khi nghe chúng tôi nói có ý định vay tiền từ “TDĐ cột điện”, chị xua tay: “Thôi chú ơi, đừng dính vào đấy, không trả được đâu!”.
Chị cho hay: Một chị người cùng quê, do buôn bán thua lỗ phải đi vay nóng 50 triệu đồng để trả tiền hàng nhưng trả mãi không hết nợ vì lãi quá cao. Một cậu sinh viên không biết túng thiếu thế nào lại đi vay 3 triệu đồng, không có tiền trả, bị giang hồ đến đòi phải bỏ học một thời gian. “Tờ rơi dán nhan nhản, có thấy ai dẹp đâu” - chị nói.
Chị NTKH (người lao động ở huyện Phú Giáo, Bình Dương) vay 4 triệu đồng từ “tín dụng cột điện” để trang trải tiền nhà, tiền sinh hoạt và phải trả góp 200.000 đồng/ngày… nhưng tiền kiếm được không đủ nên để trả nợ là quá sức đối với chị.
Còn anh LĐT (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã phải đi vay nóng 6 triệu đồng để trả tiền viện phí cho mẹ. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lương anh có được từ làm công nhân cũng không thể đủ trả lãi hằng ngày, trong khi anh vừa phải lo chi phí chữa bệnh, vừa phải đi trả lãi.
Công an “hốt” những người Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai cho vay nặng lãi. Ảnh: LQL
Không chỉ những người khó khăn tìm đến TDĐ mà có những “đối tượng”, các băng nhóm cho vay chủ động tiếp cận các “cậu ấm”, “cô chiêu” ham ăn chơi để cho mượn tiền không lãi. Sau đó sẽ có người “mua nợ”, ép con nợ ký giấy với lãi suất cao và thế là vào tròng.
Có chủ nhà hàng ở phường Hòa Cường Nam, Đà Nẵng vay 240 triệu đồng để trả lương nhân viên và duy trì hoạt động với lãi suất tương đương 60% tháng. Khi anh gặp khó, hàng chục người xăm trổ đến đuổi nhân viên nhà hàng, lấy tài sản.
Những phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ cũng dễ thành con nợ dài hạn với khoản vay 5-10 triệu đồng, lãi suất từ 20%/tháng theo dạng trả góp. Công an TP Đà Nẵng đã đưa vào tầm ngắm 326 người, 19 doanh nghiệp có biểu hiện cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Khi bị bắt, các nhóm TDĐ thừa nhận việc vay mượn đều thông qua hợp đồng vay và trả góp không quá mức lãi suất được quy định nhưng thực tế người vay phải trả lãi 20%-40%.
Khi con nợ trả vốn, chủ nợ né mặt, không cho con nợ thanh toán để kéo dài thời gian trả lãi, dẫn đến người vay không thoát được vòng luẩn quẩn…
Ở Bình Thuận đã có hai trường hợp phải tự tử và một trường hợp khác bị đâm mù mắt vì vướng vào TDĐ.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, sơ bộ toàn tỉnh có 130 người từ các tỉnh phía Bắc vào cho vay nặng lãi, núp bóng dưới các công ty đại lý bán vé máy bay, dịch vụ cầm đồ, cho thuê ô tô…, tổ chức rất chặt, có phân cấp, có các bộ phận nhân sự, trợ giúp pháp lý, phụ trách vùng miền, chân rết…
Ở Thanh Hóa, sau bốn tháng điều tra, công an đã khởi tố chín người của Công ty Nam Long (địa chỉ trụ sở tại TP.HCM) hoạt động cho vay khắp 63 tỉnh/thành.
Tổ chức này cho vay với lãi suất cả 1.000%/năm. Nhân viên đòi nợ được huấn luyện theo cách “ru ngủ nạn nhân”, khi cần thì cưỡng đoạt, cướp bóc khiến con nợ mất nhà, mất tài sản…
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn hiện có 132 công ty tài chính núp bóng hoạt động và 786 cơ sở kinh doanh cầm đồ, một công ty đòi nợ thuê.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Krông Năng vừa triệt phá nhóm tín dụng câu kết với những người ở Hải Phòng cho hơn 1.000 người dân ở tỉnh này vay nặng lãi 15%-20%/tháng.
Ở Gia Lai, công an vừa “hốt” một ổ cho vay nặng lãi núp bóng Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai. Bước đầu công an xác định những người của công ty thu lợi hàng tỉ đồng từ hoạt động TDĐ trong thời gian ngắn.