Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã chất vấn Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, tại kỳ họp sáng 13-12 về tình trạng tín dụng đen phức tạp trên địa bàn.
Có đại biểu nêu nghi vấn "có người bảo kê" mới xảy ra tình trạng như vậy.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung ghi nhận các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa trong buổi trả lời chất vấn sáng nay (13-12). Ảnh: Đ.TRUNG
Dùng thành phần xã hội bất hảo để đòi nợ
Trả lời tại phiên chất vấn, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cho biết ông mới về nhậm chức giám đốc công an tỉnh vài tháng, vì thế nội dung nào ông trả lời được tại kỳ họp sẽ trả lời ngay, còn lại sẽ trả lời bằng văn bản.
Ông cho biết hoạt động tín dụng trái pháp luật là hành vi huy động vốn và cung cấp tín dụng không tuân theo quy định của pháp luật về vay và cho vay. Các hình thức tồn tại của tín dụng trái pháp luật dưới dạng dịch vụ công ty tài chính và cho vay núp bóng dịch vụ cầm đồ.
Công an thống kê, xác định có 132 công ty tài chính núp bóng hoạt động và 786 cơ sở kinh doanh cầm đồ.
Thanh Hóa cũng có một công ty đòi nợ thuê ở huyện Hậu Lộc, hoạt động với khẩu hiệu “Đã nợ là phải đòi, đã đòi là phải trả”.
Về hoạt động tín dụng đen, ông cho hay người vay không cần thế chấp nhưng cho vay sẽ lập hai hợp đồng, trong đó hợp đồng thứ nhất có nội dung người vay cầm cố tài sản với 8%/tháng và hợp đồng thứ hai có nội dung người vay lại thuê lại tài sản có lãi suất 7% hoặc lớn hơn. Tổng hai hợp đồng là 15%. Khi hết thời hạn vay chưa trả được còn muốn vay nữa thì phải làm giấy chốt nợ cũ, do đó số tiền phải trả cứ thế tăng lên rất nhanh.
Khi người vay không trả được nợ, các dịch vụ cho vay trái pháp luật sử dụng những người có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng... đi đòi nợ với các hình thức đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, ném chất bẩn. Từ đây cũng nảy sinh các loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.
Theo Thiếu tướng Trung, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 31 vụ án với 88 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
"Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn có diễn biến phức tạp do hình thức hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi như viết giấy vay thế chấp tài sản… để chuyển thành giao dịch dân sự. Hơn nữa việc đòi nợ trái pháp luật chỉ bị khởi tố khi cấu thành tội phạm. Đáng nói nữa là việc xác minh người bị hại trong các vụ án gặp khó khăn…" - Giám đốc công an tỉnh chia sẻ.
Nghi vấn có chuyện bảo kê tín dụng đen
Các đại biểu nêu dịch vụ cho vay trá hình, tín dụng đen hoạt động nở rộ có nhiều nguyên nhân, vậy trách nhiệm của ngành công an ở đâu? Có hay không việc bảo kê tín dụng đen?
Trả lời chất vấn, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung thông tin có nhiều nguyên nhân từ các hoạt động kinh tế-xã hội; nguyên nhân về quy chế, chính sách quy định... "vì thế cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành" - ông Trung trả lời.
Một đại biểu khác đặt vấn đề rằng phải chăng từ tình trạng lô đề, cờ bạc là mảnh đất cho tín dụng đen nở rộ? "Việc xử lý những đối tượng cho vay tín dụng đen và giải pháp phòng, chống đối với tín dụng đen thế nào?" - đại biểu hỏi và ông Trung cho rằng việc này nằm ở một chuyên đề khác.
Các đại biểu đặt câu hỏi với Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, có hay không việc bảo kê tín dụng đen? Ảnh: Đ.TRUNG
Đại biểu Cầm Bá Chái thì cho rằng hoạt động tín dụng đen diễn ra từ lâu, lan rộng khắp các địa phương nhưng việc đấu tranh còn rất hạn chế, vì chỉ khi có những vụ việc xảy ra thì công an mới vào cuộc.
"Trong khi đó ở các khu vực đều có cảnh sát, vậy có hay không việc bảo kê tín dụng đen hiện nay?" - đại biểu hỏi.
Đáp lời, Thiếu tướng Trung khẳng định: “Dư luận nói có nhưng để chứng minh việc này là khó khăn... Nhưng tôi hứa sẽ siết chặt kỷ cương, khi phát hiện các cán bộ, chiến sĩ bảo kê sẽ xử lý theo đúng quy định".
Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Bùi Thị Mười thì thắc mắc hiện nay trên các vùng miền núi của cả tỉnh đều có dán tờ cho vay tiền, vay tiền có ghi rõ địa chỉ ở đâu, tuy nhiên khi bà yêu cầu cơ quan liên quan truy địa chỉ của tín dụng đen thì không tìm ra.
Từ đó, bà Mười chất vấn Công an tỉnh Thanh Hóa có giải pháp gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Trung trả lời: “Tôi nghĩ chỉ khi phát sinh vấn đề an ninh trật tự thì công an mới làm, chứ cái gì công an cũng vào cuộc khó khả thi. Còn việc tờ rơi ở đâu cũng có, chỉ khi nào phát sinh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công an mới điều tra... Làm gì thì làm nhưng phải theo chức trách, nhiệm vụ của ngành công an".
Thu thập thông tin về bảo kê tín dụng đen
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho hay tín dụng đen đang trở nên nóng bỏng và Thủ tướng đã giao Bộ Công an điều tra, trấn áp tội phạm tín dụng đen. Tại Thanh Hóa thời gian gần đây, qua nắm bắt tình hình thì nhiều gia đình vướng vào tín dụng đen.
Ông đề nghị cơ quan công an ráo riết điều tra, khởi tố các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật đối với loại tội phạm này.
"Riêng đối với việc có bảo kê cho tín dụng đen hay không thì cần thiết phải làm rõ và tôi đề nghị là phải làm đến nơi, nếu có phải xử lý nghiêm...
Còn ở đây nếu nói là dư luận xì xào chuyện bảo kê tín dụng đen nhưng thực tế chưa thấy ở đâu cả... Nếu nhiều người nói có bảo kê nhưng không có trường hợp nào được phát hiện thì không thể nói là có bảo kê được. Tôi đề nghị nếu có ở đâu thì phát hiện, xử lý nghiêm đến đó theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp đang truyền hình trực tiếp qua Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, tôi kêu gọi cử tri trong toàn tỉnh nếu có phát hiện bảo kê thì báo cáo lại cho cơ quan chức năng để tiến hành xử lý" - ông nói.
Nhóm người trong đường dây tín dụng đen thuộc Công ty Nam Long có quy mô hoạt động ở 63 tỉnh, thành cả nước bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: CATH
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến giao trách nhiệm cho một cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp cùng ngành công an xử lý rốt ráo tín dụng đen. Ông cũng giao Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa rà lại toàn bộ các cấp phép cho công ty tài chính, trong trường hợp có vấn đề pháp lý thì phải xử lý ngay, đồng thời cân nhắc cấp phép mới cho công ty tài chính nếu không đủ điều kiện.
Thông tin trong phiên chất vấn cũng cho hay Công an tỉnh Thanh Hóa có báo cáo trung ương một số bất cập về việc xử lý đối với tín dụng, trong đó có các vấn đề pháp lý liên quan. Công an tỉnh cũng đề nghị để xử lý căn cơ tình trạng tín dụng đen, lãnh đạo các địa phương cần tham gia quyết liệt và công an tỉnh sẽ có vai trò tham mưu xử lý tình trạng này. |