Các tỉnh tập trung khắc phục thiệt hại sau bão số 4

(PLO)- Hàng ngàn người ở miền Trung mất nhà do bão số 4, hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bão số 4 đi qua, hàng ngàn căn nhà ở các tỉnh miền Trung bị sập, tốc mái. Nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mong sớm có cuộc sống ổn định sau bão.

Căn nhà thành đống đổ nát

Hai ngày sau khi bão quét qua, căn nhà của vợ chồng bà Văn Thị Xê (70 tuổi, ngụ thôn Hà My Đông B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) chỉ còn trong đống đổ nát. Mặt buồn bã, bà Xê kể trước khi bão đổ bộ, cả gia đình cùng nhau chằng chống nhà cửa. Chiều 27-9, trời bắt đầu nổi gió, trút mưa không ngớt, vợ chồng bà khăn gói qua nhà hàng xóm ở nhờ. Suốt đêm, bà lo cho căn nhà cũ nằm trong tâm bão đổ bộ.

“Sáng sớm, tôi sốt ruột nên lật đật quay về, trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng, nhà cửa tan hoang. Cứ nghĩ bão mạnh, tốc mấy miếng tôn thì còn lợp lại được, ai ngờ không còn chi hết” - bà Xê buồn rầu.

Căn nhà của vợ chồng bà Xê giờ chỉ còn trong đống đổ nát. Ảnh: ND

Căn nhà của vợ chồng bà Xê giờ chỉ còn trong đống đổ nát. Ảnh: ND

Đến trưa 29-9, bàn ghế, giường chiếu ướt nhèm, bị các mảng tường bể chèn lấp. Con trai bà Xê cùng người bạn tranh thủ nhặt nhạnh những vật dụng quan trọng còn sót lại.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương, cho biết bão số 4 quét qua gây thiệt hại nặng cho nhân dân trên địa bàn phường. “Sáng 29-9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thị xã và phường xuống thăm, tặng quà gia đình người dân bị thiệt hại. Phường cũng đã giao nhiệm vụ cho quân sự xã hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa” - ông Tuấn nói.

Các tỉnh khắc phục thiệt hại

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ ngày 29-9, bão số 4 làm 52 người bị thương; 110 căn nhà bị sập; 2.974 căn nhà, 131 phòng học bị hư hại, tốc mái…

Bão cũng làm 232 ha lúa, 435 ha hoa màu, 309 ha cây lâu năm, 538 ha cây hằng năm, 1.020 ha rừng, 1.405 cây xanh bị hư hại, ngã đổ; 1.690 con gia súc, 905 con gia cầm bị thiệt hại; một công trình thủy lợi bị hư hỏng; 450 m bờ sông và 800 m bờ biển bị sạt lở…

Tại Quảng Trị, chiều 29-9, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, cho biết tại địa phương vẫn còn hàng trăm hộ dân bị cô lập do cây cầu tạm bằng sắt bị lũ cuốn trôi.

Trong khi đó, đến chiều tối 29-9, trên địa bàn Nghệ An vẫn đang có mưa dông trên diện rộng, nước lũ hạ nguồn sông Lam đang lên nhanh. Mưa lớn trên địa bàn Nghệ An đã làm ba người chết, ngập lụt hơn 7.300 ngôi nhà, 71 hộ dân do ảnh hưởng của sạt lở đất phải di dời, hàng ngàn hecta diện tích sản xuất lúa và hoa màu bị ngập; hơn 17.000 con gia cầm bị chết; 16 điểm trường bị ảnh hưởng… Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh đã chỉ đạo tất cả địa phương rà soát thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4 để có biện pháp xử lý, hỗ trợ, khắc phục phù hợp. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết đến sáng 29-9, trên địa bàn vẫn còn ba xã là Đắk Sao, Đắk Na và Măng Ri bị chia cắt do bị trôi cống, sụt lún mố cầu và sạt lở đất, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông được. Trên địa bàn tỉnh, nhiều vườn cây của người dân bị ngập sâu, thiệt hại đang được địa phương thống kê.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm