Các trường nói về bảng xếp hạng đại học

Ngày 6-9, nhóm xếp hạng đại học (ĐH) Việt Nam gồm sáu chuyên gia đã tổ chức buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng (BXH) ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi BXH 49 ĐH vừa được công bố, nhiều ý kiến trái chiều về BXH này đã được đặt ra.

Độ tin cậy chỉ một phần

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc xếp hạng này không mang tính chính thức của một cơ quan chuyên về đánh giá mà chỉ là tập hợp một số nhà khoa học trong và ngoài nước cùng nhau làm nên chỉ có giá trị tham khảo.

Theo đó, nhà trường không đặt nặng vấn đề về thứ hạng và vị thế của nó. Chưa kể việc đánh giá các trường ĐH thì không nên gom ĐH quốc gia và ĐH vùng vào xếp chung với nhau mà xét theo từng trường thành viên mới đồng đều các tiêu chí. BXH này dựa trên tiêu chí các trường nước ngoài thiên về nghiên cứu, trong đó 40% nghiên cứu khoa học còn các yếu tố khác như đào tạo, quản trị có tỉ lệ đánh giá thấp hơn. “Việc đánh giá này không phù hợp với điều kiện Việt Nam vì số trường có định hướng nghiên cứu tại Việt Nam rất ít, các trường đào tạo nhân lực ra để làm công việc sản xuất là chính” - ông Dũng đánh giá.

“Các trường nên xem đó là nguồn để tham khảo vì thực tế có mặt mình tốt, có mặt chưa tốt để phấn đấu” - ông Dũng nói.

Ngoài các bài báo khoa học, chất lượng đào tạo, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn được biết đến cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại và quản trị đại học hiệu quả. Ảnh: P.ĐIỀN

“Khó hiểu tiêu chí đánh giá”

Đó là ý kiến đánh giá của đại diện các trường ĐH về BXH vừa công bố. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thẳng thắn nhận xét BXH này hơi khó hiểu về tiêu chí và phương pháp điều tra, khảo sát. Để thuyết phục dư luận, nhóm phải đưa ra phương pháp nghiên cứu về nguồn gốc, cơ sở dữ liệu khoa học. TS Lý cho biết theo một trang đánh giá có uy tín, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM được xếp hạng cao nhưng trong BXH này không có tên nên thấy rất lạ và nhiều trường có uy tín cũng không thấy tên trong BXH.

“Nếu công tác nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng sẽ có tác dụng tốt, ngược lại làm không đúng sẽ phản tác dụng. Về việc này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT nên có tiếng nói, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu các trường” - TS Lý kiến nghị.

Còn ThS Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc xếp hạng của trường là cần thiết khởi đầu cho sự minh bạch để các trường, doanh nghiệp, sinh viên tham khảo chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân. Tuy nhiên, có thể nhóm nghiên cứu này chọn ra một số trường để đánh giá thí điểm theo kiểu mới nên không mang tính đại diện toàn quốc. Với BXH này có ảnh hưởng đến vị thế của các trường, tuy nhiên ảnh hưởng lớn thì chưa thể kết luận được.

“Ngoài ra BXH này chưa mang tính phân loại, phân tầng và công bố rõ hơn các tiêu chí đánh giá. Trong khi đó các BXH giáo dục uy tín trên thế giới họ công bố các tiêu chí rất rõ ràng. Tiêu chí đó giúp người học rõ hơn mục tiêu họ học tại các trường này là gì, công ăn việc làm sau khi ra trường ra sao. Còn đa phần BXH đều dựa trên tiêu chí đội ngũ, bài báo khoa học nhưng không cho thấy nó ảnh hưởng đến xã hội và công ăn việc làm, đây là sự thiếu sót mà BXH thế giới có đề cập đến. Ngoài ra, trong khâu đánh giá còn có tiêu chí sự hài lòng của người học cũng chưa đưa ra” - ông Sơn nói.

Một số vị trí xếp hạng không chính xác

“Với BXH vừa công bố, tôi xin hoan nghênh tinh thần của nhóm tác giả, tuy nhiên gần như mọi BXH bao giờ cũng có ý kiến đa chiều. Các vấn đề thường được nêu lên là năng lực của chủ thể xếp hạng, bộ tiêu chuẩn/tiêu chí xếp hạng, trọng số của các tiêu chuẩn/tiêu chí, công tác thu thập dữ liệu (tính đầy đủ, tính chính xác, độ tin cậy...)” - PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét.

Theo PGS Nghĩa, ngay như tổ chức xếp hạng QS nổi tiếng thế giới cũng hết sức cân nhắc trong công việc của mình, họ phải nỗ lực rất nhiều để tìm mọi biện pháp nhằm thu thập được thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn. Họ cũng thay đổi bộ tiêu chuẩn theo thời gian, thay đổi hệ số trong việc tính toán kết quả định lượng.

“Theo tôi, kết quả của BXH vừa qua là một kênh tham khảo bên cạnh nhiều thông tin khác về các đơn vị trong danh sách. Với chủ thể xếp hạng khác, bộ tiêu chuẩn khác, cách thu thập dữ liệu khác sẽ có ranking (xếp hạng - PV) khác. Cá nhân tôi thấy một số vị trí trong BXH là không chính xác” - PGS Nghĩa nói.

Bảng xếp hạng đầu tiên ở Việt Nam

Đây là BXH ĐH tổng thể Việt Nam đầu tiên được công bố do một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện. 

Còn trước đó, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.

Theo đó, ĐH Việt Nam sẽ được chia làm ba “tầng” (thực ra là loại hình - PV): Trường ĐH định hướng nghiên cứu, trường ĐH định hướng ứng dụng và trường ĐH định hướng thực hành. Nghị định cũng chia khung xếp hạng thành ba hạng với cơ cấu: Hạng 1 - 30%, hạng 2 - 40% và hạng 3 - 30% cùng những tiêu chí để xếp hạng theo từng “tầng”.

Tuy nhiên, cho tới nay chưa có BXH chính thức nào của các cơ quan chức năng được công bố theo nghị định này.

_________________________

Đây là công sức, trí tuệ của nhóm chuyên gia độc lập, họ đưa ra sản phẩm như vậy là đáng trân trọng. Riêng ĐH Tôn Đức Thắng được xếp thứ nhất cả nước về nghiên cứu khoa học là phù hợp vì số lượng công trình nghiên cứu khoa học của trường là minh chứng. Về tổng thể, trường xếp thứ hai trong bảng tổng sắp, xếp thứ năm về giáo dục đào tạo thì trường chưa có bình luận gì.

Riêng cơ sở vật chất và quản trị xếp thứ 24, họ lấy dữ liệu năm 2011-2012 trên website của trường là chưa chính xác vì trường nổi tiếng về cơ sở vật chất hiện đại, quản trị ĐH hiệu quả. Tôi nghĩ nhóm cần phải cải tiến hơn nữa trong thời gian tới để kết quả khách quan, chính xác hơn.

TS LÊ VĂN ÚT,Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm