Cách dễ dàng để được bồi thường bảo hiểm xe máy

(PLO)- Bên cạnh các ý kiến đồng tình thì vẫn có một số ý kiến không đồng ý với kiến nghị bỏ quy định bắt buộc chủ xe gắn máy phải mua bảo hiểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến nội dung kiến nghị bỏ quy định bắt buộc chủ xe gắn máy phải mua bảo hiểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có gửi tới Bộ Tài chính vẫn tiếp tục gây ra nhiều ý kiến.

Các chuyên gia khuyên rằng người dân nên mua bảo hiểm xe máy tại các đơn vị uy tín. Ảnh: TN

Các chuyên gia khuyên rằng người dân nên mua bảo hiểm xe máy tại các đơn vị uy tín. Ảnh: TN

Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay các loại bảo hiểm đều là tốt. Bảo hiểm là nhằm bảo vệ sự rủi ro của chúng ta khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Việc VCCI chỉ dựa vào doanh thu của việc bán và việc chi trả để đề xuất: “Bán thu nhiều mà chi trả ít thì nên loại bỏ là không đúng. Đây chỉ là cách nhìn về mặt lợi nhuận chứ chưa nhìn ra mục đích của bảo hiểm”- luật sư cho hay.

Do đó, luật sư Tuấn đề nghị nên để nguyên quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) xe cơ giới, nhưng phương pháp bồi thường cần mang tính chất mở rộng hơn, dễ dàng hơn. Cụ thể, khi người mua bảo hiểm xã hội mà có sự kiện tai nạn xe thì phải bồi thường.

“Nên sửa đổi để người dân hiểu hơn về bảo hiểm và người dân muốn làm thủ tục bồi thường bảo hiểm thay vì đề xuất bỏ”- luật sư nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia khác cũng nhận xét, bản chất của bảo hiểm TNDS bắt buộc không phải là kinh doanh, mà là chính sách an sinh, an toàn xã hội. Đồng thời, nhiều người mua bảo hiểm nhưng chưa hiểu hết về ý nghĩa của bảo hiểm.

Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp một chiếc xe máy va chạm với một ô tô nhãn hiệu Mecerdes và phải bồi thường 100 triệu đồng. Thì khi chủ xe máy đã mua bảo hiểm TNDS thì đơn vị bảo hiểm là bên bồi thường cho chủ xe ô tô, chứ không phải người xe máy chịu trách nhiệm đền bù.

Không đồng tình với đề xuất của VCCI, ông Nguyễn Khắc Xuân, CEO Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ Bảo hiểm Infair, cho biết: Thực tế dù doanh thu ghi nhận cao (765 tỉ đồng phí bảo hiểm năm 2019), nhưng việc chi trả bảo hiểm chỉ mức 45 triệu đồng thì nên đề xuất giảm phí bảo hiểm.

“Nếu thu nhiều chi ít sao không đề xuất giảm phí bảo hiểm xe máy về 10.000 đồng, 20.000 đồng theo đúng nguyên tắc cân bằng thu chi phi lợi nhuận của bảo hiểm bắt buộc”- ông Xuân cho hay.

Thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy khá dễ dàng. Ảnh: TN

Thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy khá dễ dàng. Ảnh: TN

Dưới đây là thủ tục yêu cầu bồi thường được ông Xuân hướng dẫn:

Bước 1: Thông báo tai nạn

Việc đầu tiên khi xảy ra tai nạn là chủ xe gọi số hotline của công ty bảo hiểm (có ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm), để được chỉ dẫn và thực hiện theo hướng dẫn. Nhưng bạn nên thực hiện theo hướng dẫn hợp lý và có thể thực hiện được vào thời điểm đó.

Đặc biệt, bạn cần yêu cầu công ty bảo hiểm cử nhân viên đến giám định, lập biên bản hiện trường. Trường hợp công ty bảo hiểm không cử giám định viên đến, bạn nhớ ghi âm cuộc gọi và xác nhận lại với bảo hiểm.

Với những vụ va chạm nhỏ chỉ thiệt hại về tài sản và không chết người, nếu công ty bảo hiểm yêu cầu báo cơ quan công an, bạn có thể từ chối yêu cầu này mà yêu cầu công ty bảo hiểm phải tự lập biên bản hiện trường tai nạn làm cơ sở đền bù.

Hiện nay quy định pháp luật mới cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ cho bảo hiểm trong trường hợp có người tử vong, nên báo công an giải quyết hay không cũng không liên quan gì đến trách nhiệm bảo hiểm.

Trường hợp tai nạn có người tử vong đương nhiên có công an giải quyết, khi đó công ty bảo hiểm có trách nhiệm sao chụp hồ sơ từ cơ quan công an.

Bước 2: Yêu cầu công ty bảo hiểm giám định thiệt hại của bên thứ ba

Đối với thiệt hại về tài sản: Bạn cùng công ty bảo hiểm, bên thứ ba giám định xác định thiệt hại và chi phí sửa chữa. Khi thỏa thuận đền bù yêu cầu công ty bảo hiểm tham gia, hướng dẫn thỏa thuận. Thông thường công ty bảo hiểm sẽ duyệt giá (nếu sửa chữa) và trả tiền cho đơn vị sửa chữa thay bạn. Nếu không, họ sẽ cùng bạn và bên thứ ba chốt số tiền bồi thường, bạn trả tiền cho bên thứ ba trước, sau đó họ sẽ hoàn lại cho bạn (họ sẽ hướng dẫn bạn thu thập chứng từ chứng minh thiệt hại)

Đối với thiệt hại về người: Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào tỉ lệ thương tật (căn cứ vào kết luận ghi trên bệnh án, giấy ra viện) tính số tiền bồi thường B = 150 triệu x tỉ lệ thương tật. Nếu số tiền này lớn hơn số tiền bạn đã bồi thường thì trả bằng số tiền bạn đã bồi thường. Còn nếu số tiền bạn đã bồi thường lớn hơn số này thì công ty bảo hiểm trả đúng số tiền B này.

Bước 3: Cung cấp hồ sơ cho công ty bảo hiểm để nhận tiền đền bù.

Hồ sơ gồm: Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (giám định viên sẽ đưa mẫu cho bạn ghi và nhận luôn); Bản án (nếu có); Chứng từ chứng minh thiệt hại tài sản ( một hoặc tất cả: báo giá sửa chữa, hóa đơn, thỏa thuận đền bù, biên bản định giá của hội đồng định giá tài sản).

Chứng từ chứng minh thiệt hại về người: (Giấy ra viện, kết luận giám định thương tật, giấy chứng tử, thỏa thuận đền bù)

Bước 4: Nhận tiền bồi thường

Một số lưu ý: Nghị định 03/2021 quy định khi xảy ra tai nạn người được bảo hiểm phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, nhưng trong hồ sơ yêu cầu bồi thường không yêu cầu phải có hồ sơ tai nạn của cơ quan có thẩm quyền. Nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm phải tự lập hồ sơ.

Nghị định cũng không quy định mức chế tài nếu không báo cho cơ quan có thẩm quyền, nên không báo không bị ảnh hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Nghị định chỉ quy định giảm trừ 5% số tiền bồi thường nếu người được bảo hiểm không thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm trong vòng 05 ngày, nên bạn lưu ý thời hạn này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm