Các nguyên nhân phổ biến của ngộ độc thực phẩm là khi chúng ta ăn thực phẩm chưa chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần phải biết cách chế biến cũng như biết cách bảo quản sao cho đúng đắn.
Để phòng ngừa ngộ độc chúng ta cần biết cách chế biến và cách bảo quản thực phẩm sao cho đúng đắn. Ảnh: Internet
Những loại vi khuẩn thường gây ngộ thực phẩm
Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) thường sống trong ruột người và động vật như bò, cừu và dê. Chúng còn được tìm thấy trong thịt bò chưa nấu chín, sữa và nước trái cây chưa xử lý, nước ô nhiễm. Nếu nhiễm khuẩn E.coli, người bệnh có thể bị tiêu chảy, đau bụng, ói,... Chủng E.coli O157:H7 có thể khiến người bệnh xuất huyết tiêu hóa, suy thận, thậm chí tử vong.
Salmonella, loại vi khuẩn này thường lây từ các động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà, như: gà, vịt, lợn, trâu bò. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất là do uống sữa chưa tiệt trùng hoặc ăn thịt gia cầm, trứng chưa nấu chín. Khi thoát ra khỏi ruột, Salmonella xâm nhập vào máu và các cơ quan khác. Chúng gây ra các triệu chứng như sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn,...
Tụ cầu vàng (staphylococcus aureus), loại này không gây bệnh, nhưng lại tiết ra độc tố gây nhiễm độc. Tụ cầu vàng có mặt khắp nơi, tai mũi họng, móng tay, móng chân người cũng đầy tụ cầu, nên thực phẩm rất dễ nhiễm loại khuẩn này. Ngộ độc do tụ cầu làm đau bụng, ói mửa tiêu chảy,…
Làm gì để giảm vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm?
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ; Vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; Sử dụng nguồn nước sạch; Bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm thường dễ bị tiêu diệt do nhiệt độ, nên cần đun chín thực phẩm để tránh ngộ độc. Tuy nhiên, dù đã đun chín, đồ ăn để ngoài ở nhiệt độ thường khoảng hai giờ là đã nhiễm khuẩn và đã sinh sôi nảy nở. Do đó phải bảo quản lạnh đồ ăn để ngừa nhiễm loại sinh độc tố như tụ cầu vàng. Cũng lưu ý, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (4 độ C), không diệt được khuẩn, mà chỉ làm chậm lại tốc độ sinh sôi vi khuẩn. Do đó tủ lạnh không phải là vạn năng, lưu trữ thức ăn cả tuần, cả tháng là đã an toàn.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, đáng ngại nhất là các món rau quả ăn sống. Tay chân, dao thớt nhiễm khuẩn là salad nhiễm, và rất thường nhiễm từ lúc mua, trước khi bỏ tủ lạnh.