Diễn đàn: Cách hành xử khi “giữa đàng gặp chuyện bất bình”

Cách làm người tốt đúng đắn nhất

(PLO)- Để làm người tốt một cách đúng đắn nhất, chúng ta phải chọn cách hành xử phù hợp nhất trong từng bối cảnh của sự việc.

Gần đây, nhiều người chỉ vì những va chạm, xô xát lặt vặt trên đường mà phải hứng chịu những đòn tấn công của những "kẻ mạnh". Những video được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, có những vụ nạn nhân đã lẻ loi chịu đựng, mà không nhận được sự can thiệp kịp thời từ những người đi đường khác; có những vụ khi vào can thiệp giúp đỡ nạn nhân thì lại bị vạ lây.

Chiều 2-1, Đại tá Nguyễn Hải Phước - Trưởng Công an quận 1 (TP.HCM) trao thư khen cho cho anh Hà Hữu Vinh, tài xế xe công nghệ, người đã dũng cảm can ngăn hai vợ chồng đánh người đi đường ở quận 1. Ảnh: CA
Hai vợ chồng đã bị bắt khẩn cấp do đánh người đi đường sau một va chạm giao thông đêm 31-12-2024. Ảnh: CA

Vậy khi "giữa đàng gặp chuyện bất bình" bạn sẽ hành xử ra sao? Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của các bạn đọc.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cân nhắc thiệt hơn trong từng hoàn cảnh

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT

Bất kỳ một vấn đề nào cũng tồn tại tính hai mặt. Khi chọn hành động bảo vệ người khác thì bạn có thể sẽ gặp sự phiền phức cho bản thân như có thể bị đánh, bị cơ quan chức năng mời làm việc vì là người chứng kiến sự việc. Còn nếu chúng ta chọn cách phớt lờ, đồng nghĩa với việc chúng ta đang thờ ơ với những người xung quanh. Vì không có ai chịu đứng ra bênh vực, bảo vệ cho các nạn nhân trong tình huống này. Như vậy, có thể vô tình chúng ta đã gián tiếp tiếp tay cho các hành động sai trái.

Vậy điều quan trọng ở đây, chúng ta phải chọn cách hành xử thế nào cho phù hợp với bối cảnh của sự việc. Thử so sánh giữa được và mất; nếu cái được lớn hơn, giúp được nạn nhân trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng… thì chúng ta nên làm. Sau khi đánh giá nên giúp hay không, thì chúng ta mới quyết định phương pháp giúp người.

Chẳng hạn, khi thấy một người gặp tại nạn trên đường, chúng ta không có chuyên môn trong sơ cấp cứu thì ngay lập tức nên quay clip lại hiện trường và gọi ngay cho 115 (số điện thoại cấp cứu) để họ đến cứu giúp người bị nạn. Hoặc có thể cùng người đi đường có những hành xử ban đầu phù hợp để giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Khen thưởng tài xế can ngăn hai vợ chồng đánh người ở quận 1

Ngày 2-1, Công an quận 1 (TP.HCM) đã tổ chức khen thưởng cho anh Hà Hữu Vinh, tài xế xe công nghệ, người đã dũng cảm can ngăn hai vợ chồng đánh người đi đường ở quận 1.

Như đã đưa tin, đêm 31-12-2024, anh TAP chở vợ lưu thông trên đường Lê Duẩn thì bị Nguyễn Văn Dũng (56 tuổi) chở vợ là Bùi Thị Ngọc Anh (54 tuổi, cùng ngụ quận 1) cố tình cản đường, không cho quay đầu xe dẫn đến cự cãi giữa hai bên. Sau đó Dũng đã đánh vợ chồng anh P. Khi đó, anh Vinh chở khách đi ngang, dừng lại, đến can ngăn thì bị Dũng và Ngọc Anh quay sang đánh.

Theo công an, anh Vinh với tinh thần dũng cảm, không ngại hiểm nguy đã đến can ngăn hành vi vi phạm pháp luật của Dũng và Ngọc Anh. Đây là hành động đẹp của một công dân cần được lan tỏa trong xã hội, do đó công an quận đã kịp thời đề xuất UBND quận 1 tặng giấy khen cho anh Vinh.

Trước đó, ngày 1-1, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 cũng đã bắt khẩn cấp Dũng và Ngọc Anh để điều tra làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đối với việc chứng kiến các hành động bạo lực, đánh nhau khi tham gia giao thông, thay vì làm ngơ, chúng ta nên dừng xe an toàn và hô hoán mọi người ngăn chặn các hành động bạo lực. Sau đó, gọi điện cho công an phường đến giải quyết. Trường hợp người gây ra vụ việc bỏ chạy, thì cách tốt nhất là dùng điện thoại quay lại sự việc, sau đó mang video clip này đến cơ quan công an gần nhất để cung cấp, trình báo.

Khi đấu tranh với chuyện bất bình, cần mạnh dạn và hành động cụ thể tùy vào bối cảnh. Đặc biệt là việc không ngần ngại khi nghĩ đến việc chúng ta liệu có thiệt thòi nếu chúng ta đứng ra bảo vệ trước những hành động sai trái hay không. Có như vậy, xã hội sẽ được sưởi ấm, không bị vô cảm bởi chính sự thờ ơ của chúng ta.

ThS NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM:

Hãy chung tay hoàn thiện giá trị sống

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH

Bản thân tôi khi xem đoạn video hình ảnh hai vợ chồng đánh tài xế xe công nghệ, tôi cảm thấy vô cùng bức xúc vì sự vô cảm của những người xung quanh. Sự việc diễn ra vào đêm Giao thừa Tết Dương lịch, sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu nhiều người đi đường hôm đó dũng cảm can thiệp và giúp đỡ. Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có đang thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh hay không? Chúng ta đang sợ rắc rối vào bản thân nên không dám giúp đỡ người khác?

Nếu chúng ta tiếp tục dửng dưng với hành vi cố ý gây thương tích, không can ngăn thì sẽ dẫn đến người bị hại bị tổn thương về thể xác, tinh thần thậm chí là rơi vào trạng thái nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng. Rồi một ngày nào đó, ngay bản thân chúng ta cũng là một nạn nhân trong câu chuyện đó thì sẽ như thế nào? Cái đau về thể xác sẽ nguôi ngoai, còn cái đau về tinh thần khi mọi người không dang tay giúp đỡ mình trong tình huống nguy kịch sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Và chính mình cũng thiếu niềm tin với những người xung quanh.

Nếu chúng ta là những người chứng kiến sự việc tương tự, chúng ta hãy quan sát xem họ có hung khí nguy hiểm hay không, và can ngăn hành vi bạo lực của hai vợ chồng trên hoặc nếu không thể can ngăn thì chúng ta có thể gọi điện thoại với công an khu vực, bảo vệ khu phố hoặc tri hô mọi người cùng nhau giúp đỡ. Tôi tin rằng nếu mọi người cùng chung tay sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra.

“Im lặng là dung dưỡng cho cái ác”. Hãy hành động để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ trật tự xã hội, mỗi chúng ta hãy chung tay hoàn thiện giá trị sống và xây dựng một đất nước văn minh, ngày càng phát triển bền vững trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Cô giáo LÊ LỢI LAN VÂN, giáo viên bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật - Trường THPT Bình Chánh, TP.HCM:

Phân tích các tình huống và cách lựa chọn xử sự cho học sinh

Cô giáo LÊ LỢI LAN VÂN

Đối với tình huống "giữa đàng gặp chuyện bất bình", trong giảng dạy, về mặt thực tế, chúng tôi sẽ chia ra các tình huống cụ thể; còn về lý thuyết, chúng tôi vẫn dạy theo hướng tích cực.

Nếu quen biết người bị mâu thuẫn hay người mâu thuẫn thì sẽ can ngăn trong phạm vi có thể. Nếu người không quen biết thì sẽ không thể giúp đỡ trực tiếp được mà có thể giúp đỡ gián tiếp bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ.

Trường hợp bản thân học sinh có mâu thuẫn, thì có thể hướng dẫn học sinh các kỹ năng mềm để học, tránh được xô xát và thương tích theo phương châm “chuyện khó hóa dễ, chuyện dễ hóa không” để giải quyết mâu thuẫn nhằm đạt được kết quả tốt đẹp chứ không phải đi đến sự triệt tiêu đối phương và phải theo phương châm hướng đến là WIN-WIN.

Ngoài ra, nếu sự mâu thuẫn ấy xuất phát từ phía học sinh ở trong trường thì giáo viên sẽ can ngăn, giải quyết. Nhưng nếu phạm vi ngoài nhà trường thì lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan pháp luật. Còn nếu đối tượng không phải học sinh thì chỉ can thiệp gián tiếp bằng cách gọi điện thoại báo công an khu vực.

Bạn PHAN THỊ HỒNG NGỌC, sinh viên năm 3, Khoa Luật trường Đại học Luật TP.HCM:

Tùy vào khả năng mà chọn cách hành xử

Tôi rất ủng hộ những tinh thần nghĩa hiệp trong cuộc sống, bởi tinh thần này sẽ giúp tạo dựng được một xã hội tốt đẹp, đoàn kết, tương trợ, cùng nhau phát triển. Bất công xã hội sẽ được giảm thiểu khi mọi người cùng nhau giúp đỡ nhau. Hơn nữa, giúp đỡ người khác không chỉ mang lại niềm vui cho người được giúp đỡ mà còn mang lại cảm giác hạnh phúc cho người giúp đỡ.

Sinh viên PHAN THỊ HỒNG NGỌC

Tuy nhiên, tùy vào khả năng của mình mà tôi chọn cách hành xử khi gặp chuyện. Bởi khi có mâu thuẫn xảy ra, việc can ngăn hoặc ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra là thuộc về trách nhiệm của lực lượng chức năng. Nhiều vụ việc khi xảy ra, người dân đến can ngăn nhưng không thành công; thậm chí người trong cuộc còn hung hăng, hành xử thô lỗ, đánh cả người đến can ngăn. Chỉ khi lực lượng công an đến can ngăn thì người trong cuộc mới dừng lại.

Vì vậy, tâm lý người chứng kiến không dám can ngăn là do sợ bị đánh, sợ vạ lây, bị trả thù… Theo tôi, cách tốt nhất là chụp hình, quay lại video clip khi sự việc xảy ra để làm bằng chứng và trình báo công an.

Ngoài ra, theo tôi, cần tạo ra các cơ chế bảo vệ cho những người can thiệp, tránh để họ lo lắng về sự trả thù hay các hậu quả không mong muốn. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng cần nhanh chóng có mặt và xử lý kịp thời, tạo ra niềm tin cho người dân khi họ tham gia giúp đỡ trong các tình huống khẩn cấp.

Làm sao phát huy tinh thần nghĩa hiệp trong xã hội?

Tinh thần nghĩa hiệp là một giá trị cao đẹp, thể hiện qua việc sẵn sàng giúp đỡ người khác, bảo vệ lẽ phải và công bằng. Để tinh thần này phát huy trong xã hội hiện đại, cần thiết phải có sự bồi đắp, nuôi dưỡng từ chính cái nôi là gia đình, cho đến việc giáo dục của nhà trường và cộng đồng.

Trước hết, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái, tạo ra môi trường gia đình ấm áp, khuyến khích con cái chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Tại môi trường học đường, nhà trường dạy cho học trò những bài học về tinh thần nghĩa hiệp thông qua các câu chuyện, bài học thực tế, hoạt động tình nguyện.

Người trẻ tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như hiến máu, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường; xây dựng và tham gia các các nhóm hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, như nhóm hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật.

Đối với truyền thông, cần lan tỏa những câu chuyện về những người có hành động nghĩa hiệp để truyền cảm hứng cho mọi người; tuyên truyền về giá trị của lòng tốt, tầm quan trọng của việc giúp đỡ người khác, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Về mặt quản lý nhà nước, cần ban hành những chính sách đề cao tinh thần nghĩa hiệp như khuyến khích và tôn vinh những hành động nghĩa hiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tình nguyện như xây dựng khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới