4.861 khu phố, ấp ở TP.HCM giúp gắn kết người dân tốt hơn

(PLO)- Đâu đó vẫn còn những khó khăn nhưng hơn 4.800 khu phố, ấp mới sau thành lập đã đi vào hoạt động nền nếp, công việc được xử lý nhanh hơn, hỗ trợ người dân tốt hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP.HCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, từ đầu tháng 4-2024, 4.861 khu phố, ấp mới tại TP.HCM đã đi vào hoạt động.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định dù còn nhiều khó khăn khi không còn các “cánh tay nối dài” là tổ dân phố, tổ nhân dân, song qua tám tháng hoạt động, các khu phố, ấp mới đã nỗ lực phát huy vai trò của một mô hình tự quản duy nhất, gắn kết tốt nhất mối liên hệ giữa người dân với chính quyền.

4.861 khu phố, ấp ở TP.HCM giúp gắn kết người dân tốt hơn sắp xếp khu phố ấp
Trụ sở khu phố 15 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) được thuê mới và sửa sang lại. Trong ảnh: Ban điều hành khu phố đang thảo luận công việc. Ảnh: LÊ THOA

Người dân đồng tình, hưởng ứng

. Phóng viên: Thưa bà, đến nay tình hình hoạt động của 4.861 khu phố, ấp mới trên địa bàn TP.HCM như thế nào?

+ Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm: Ngay sau khi HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 11/2024, UBND TP.HCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung triển khai tổ chức lễ công bố nghị quyết của HĐND TP, hội nghị tổng kết công tác sắp xếp khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và tôn vinh, tri ân, khen thưởng các cá nhân tham gia.

Vừa qua, các địa phương cũng hoàn thành việc miễn nhiệm chức danh trưởng, phó khu phố, ấp; tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân và cử trưởng khu phố, ấp lâm thời; đồng thời kiện toàn các chức danh của chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động khu phố, ấp mới.

Nhìn chung, tôi đánh giá các nhân sự được miễn nhiệm cũng như nhân sự được cử giữ nhiệm vụ tại khu phố, ấp mới đều đồng thuận với chủ trương sắp xếp của Trung ương và TP. Ai nấy đều phấn khởi, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Đặc biệt, hầu hết người dân trên địa bàn đã đồng tình chủ trương, tích cực hưởng ứng, góp phần thành công cho công tác thực hiện sắp xếp khu phố, ấp mới.

“Dù không còn tổ dân phố, tổ nhân dân nhưng hoạt động khu phố, ấp tốt hơn, do có yếu tố kết nối, chia sẻ giữa các nhân sự tham gia trên cơ sở phối hợp giữa người cũ và người mới”.

Tôi cũng đánh giá các khu phố, ấp mới đã đi vào hoạt động tương đối ổn định. Quả thực ban đầu cũng gặp khó khăn do thay đổi cơ cấu tổ chức cũ từ có tổ dân phố, tổ nhân dân thì nay không còn mà chính nhân sự của khu phố, ấp triển khai trực tiếp, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng.

Các chức danh tham gia hoạt động khu phố, ấp được kiện toàn, bổ sung tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để duy trì hoạt động khu phố, ấp trong điều kiện có nhiều thách thức mới, như quy mô số hộ dân tăng, số lượng người tham gia hoạt động khu phố, ấp giảm dẫn đến số lượng, khối lượng công việc thực hiện nhiều hơn.

. Vậy việc không còn tổ dân phố, tổ nhân dân đã giúp các khu phố, ấp tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo gần dân, sát dân?

+ Việc không duy trì, tổ chức tổ dân phố, tổ nhân dân về cơ bản là thực hiện đúng theo nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật về mô hình tổ chức tự quản dưới phường, xã, thị trấn. Cụ thể, chỉ có một mô hình hoạt động với số lượng người tham gia ít hơn, yêu cầu cao hơn về công tác phối hợp giữa các chức danh tham gia khu phố, ấp.

Qua thực tế, dù không còn tổ dân phố, tổ nhân dân nhưng hoạt động khu phố, ấp tốt hơn, do có yếu tố kết nối, chia sẻ giữa các nhân sự tham gia trên cơ sở phối hợp giữa người cũ và người mới.

Cũng bởi chỉ một mô hình tổ chức nên các thông tin được truyền tải kịp thời, bằng nhiều hình thức đến người dân trong khu phố, ấp; nhịp độ xử lý công việc trong ban điều hành khu phố cũng được tăng lên khi thường xuyên trực tiếp xuống dân, đảm bảo lúc nào cũng gần dân, sát dân.

4-861-khu-pho-ap-o-tp-hcm-giup-gan-ket-nguoi-dan-tot-hon-nguyen-thi-hong-tham.jpg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm.

Gỡ khó về trụ sở, trang thiết bị

. Còn vấn đề thiếu trụ sở cho các khu phố mới vẫn đang là khó khăn của các địa phương thì TP.HCM có định hướng giải quyết ra sao?

+ Hiện nay nhiều khu phố mới đang gặp một khó khăn là thiếu trụ sở để hoạt động. Tuy nhiên, TP.HCM xác định khu phố, ấp là mô hình tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không có trụ sở hoạt động riêng. Thời gian tới, các khu phố, ấp sẽ tiếp tục duy trì sử dụng chung để tận dụng các địa điểm hiện có. Đồng thời, tận dụng các địa điểm, mặt bằng hiện có trên địa bàn phường, xã, thị trấn và phối hợp, phân chia thời gian sử dụng giữa các khu phố, ấp.

Chúng tôi đã nắm và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị về trụ sở làm việc của khu phố, ấp cũng như việc bố trí cơ sở vật chất, máy vi tính, kinh phí hoạt động cho văn phòng khu phố. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM để tháo gỡ các khó khăn này.

Thực tế, vướng mắc về trụ sở cho các khu phố là khó khăn khách quan do số lượng khu phố, ấp tăng gấp 2,4 lần. Việc giải quyết cần có thời gian, tuân thủ quy định pháp luật có liên quan, các cơ quan chuyên môn liên quan cũng cần thời gian rà soát, đề xuất UBND TP triển khai biện pháp giải quyết.

Dự kiến trong tháng 1-2025, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân nhằm ghi nhận kết quả hoạt động của các cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong quá trình tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân của TP trong giai đoạn 1975-2025.

Qua đó, tôn vinh đóng góp của các cá nhân, gắn với hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tri ân hơn 57.000 người hoạt động khu phố, ấp

. Bên cạnh chăm lo cho đội ngũ người làm công tác khu phố, ấp kế thừa, TP.HCM tri ân ra sao với cống hiến của nhiều thế hệ tham gia hoạt động này hàng chục năm qua?

+ TP.HCM rất trân trọng những đóng góp, cống hiến của các cô, chú qua nhiều thế hệ đã tham gia hoạt động tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Trên cơ sở danh sách tổng hợp của các quận, huyện và TP Thủ Đức, TP.HCM đang triển khai nội dung quà tặng tri ân và thư khen với hơn 57.000 cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước đối với 35 cá nhân, tặng bằng khen của UBND TP đối với 2.825 cá nhân, tặng huy hiệu TP với 2.595 cá nhân.

TP.HCM cũng chỉ đạo UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn thực hiện công tác khen thưởng với các cá nhân tham gia khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân theo thẩm quyền.

Chúng tôi nhìn nhận các cô, chú chính là những người đã đóng góp rất lớn vào kết quả, thành tích hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; đóng góp vào thành tựu chung về kinh tế - xã hội của cả TP. Vừa qua, khi thay đổi mô hình hoạt động, nhiều cô, chú phải ngưng tham gia cũng có không ít tâm tư vì đây là công việc đã gắn bó nhiều năm, có người thậm chí gắn bó nửa đời người.

Tôi mong rằng việc tri ân, khen thưởng này sẽ phần nào thể hiện tình cảm của TP.HCM đối với các cô, chú - những người cống hiến, đóng góp hết sức thầm lặng nhưng góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của TP.

sap-xep-khu-pho-ap-4-861-khu-pho-ap-o-tp-hcm-giup-gan-ket-nguoi-dan-tot-hon.jpg
Chi bộ khu phố 12 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cùng người dân kiểm tra hạ tầng tại tuyến hẻm vừa được nâng cấp tại khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

. Thời gian tới, công tác tổ chức, hoạt động của khu phố, ấp sẽ được nâng tầm ra sao, thưa bà?

+ TP.HCM đã triển khai thực hiện công tác tổ chức bầu trưởng khu phố, ấp nhiệm kỳ 2024-2029. Tính đến thời điểm hiện nay, 312 phường, xã, thị trấn đã triển khai thực hiện, có 4.812/4.861 khu phố, ấp tổ chức bầu trưởng khu phố, ấp và bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường, xã, thị trấn (đạt 99%).

Để phát huy hiệu quả của Quy chế tổ chức và hoạt động khu phố, ấp gắn với công tác phối hợp hoạt động giữa khu phố, ấp với các lực lượng của công an, quân sự, Sở Nội vụ căn cứ Quyết định 2533/2018 của bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành chương trình bồi dưỡng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các quy định pháp luật, tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung tham mưu UBND TP hướng dẫn công tác phối hợp giữa trưởng khu phố, ấp với lực lượng của công an, quân sự.

Tới đây, TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp để trang bị kiến thức, cơ sở pháp lý, nắm vững nghiệp vụ về công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, kỹ năng, phương pháp giải quyết công việc. Qua đó giúp các nhân sự này nắm rõ nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn để nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng hoạt động; nâng cao năng lực, kỹ năng thực tiễn và giải quyết các công việc.

TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường chuyển đổi số, xây dựng ứng dụng trên nền tảng số áp dụng cho khu phố, ấp. Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND TP xây dựng Quy chế phối hợp giữa năm chức danh người hoạt động không chuyên trách tại khu phố, ấp để công tác phối hợp, hoạt động giữa các chức danh được thuận lợi và hiệu quả.

Hiện nay, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc sử dụng kinh phí hoạt động của khu phố, chế độ chi trả chế độ cho người hoạt động không chuyên trách và người hoạt động trực tiếp.

Về việc này, TP.HCM đã có chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

Tên khu phố bằng chữ giúp gắn kết cộng đồng

Số lượng khu phố, ấp đặt tên bằng chữ trên địa bàn TP.HCM sau khi sắp xếp chiếm số lượng dưới 7% tổng số khu phố, ấp (717/4.861).

Trong đó có khu phố Ba Son ở quận 1 được đặt tên mới bằng chữ, một khu phố đề xuất giữ nguyên tên gọi cũ là khu phố Phước Thiện ở TP Thủ Đức. Các ấp có tên chữ thuộc huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn được tách ra từ các ấp cũ, giữ nguyên tên gọi và chèn số để thực hiện công tác quản lý của phường, xã, thị trấn.

Trong quá trình thực hiện sắp xếp khu phố, ấp, Sở Nội vụ có tham mưu UBND TP chỉ đạo quá trình xây dựng đề án sắp xếp khu phố, ấp nên thực hiện tên khu phố, ấp bằng số thứ tự để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với cập nhật dữ liệu các ngành có liên quan.

p3-chan-dung-chi-tham.jpg

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cộng đồng dân cư của khu phố, ấp, thông qua các phiếu lấy ý kiến về đề án sắp xếp tại phường, xã, thị trấn.

Và, TP.HCM tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư về tên gọi và đánh giá các khu phố, ấp có tên gọi bằng chữ có ý nghĩa trong việc lưu giữ địa danh gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa của địa phương, gợi nhớ về quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng dân cư, truyền thống lịch sử.

Việc thay đổi tên khu phố từ số sang chữ để gắn với các yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương có thể mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong việc gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương, tăng cảm giác gắn kết cộng đồng và nâng cao niềm tự hào địa phương.

Khi những địa danh quen thuộc được thay đổi tên có ý nghĩa, người dân sẽ cảm thấy gần gũi, gắn bó hơn với môi trường sống của mình. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự gắn kết về tình cảm trong dân cư. Đồng thời, truyền cảm hứng để người dân gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống.

NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm