Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần VII đã bế mạc ngày 9-5. Phát biểu tại đại hội, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoan nghênh vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 và bắn tên lửa tầm xa dưới hình thức phóng vệ tinh hồi tháng 2 là những thành tựu “sẽ mang lại chiến thắng cuối cùng của cuộc cách mạng”.
Ông Kim Jong-un đồng thời khẳng định “Là một nước hạt nhân có trách nhiệm, Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền bị xâm phạm. Triều Tiên sẽ tôn trọng nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân và nỗ lực phi hạt nhân hóa toàn cầu.”
Tuy nhiên, tuyên bố “có trách nhiệm” này của ông Kim Jong-un không phù hợp với những gì Triều Tiên đã thể hiện thời gian qua, theo tạp chí National Interest (Mỹ).
Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân năm 2003. Sau đó, Triều Tiên lần lượt thực hiện bốn vụ thử bom hạt nhân và đang có khả năng sắp thử lần thứ năm. Hiện Triều Tiên được cho là đang có đủ lượng plutonium chế tạo hơn 10 quả bom hạt nhân và sẽ sản xuất uranium làm giàu cao (HEU) dù khối lượng chưa rõ.
Triều Tiên cũng thử nhiều loại tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Gần đây ông Kim Jong-un từng xuất hiện trên truyền hình với một đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên từng hỗ trợ một số nước phát triển hạt nhân. Ví dụ rõ nhất là xây dựng một nhà máy sản xuất plutonium (nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân) ở Syria - nhà máy này bị Israel đánh bom năm 2007.
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 5-5 đang có dấu hiệu chuẩn bị cho lần thử hạt nhân thứ 5. Ảnh: REUTERS
Phần lớn chuyên gia về Triều Tiên nhận định tuyên bố mình là quốc gia hạt nhân của Triều Tiên đã thổi phồng quá mức. Tới giờ các hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên vẫn ở quy mô nhỏ. Tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi tháng 1 không được kiểm chứng, một phần lớn các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thất bại.
Dù thế, qua thời gian nếu không có gì thay đổi thì Triều Tiên chắc chắn sẽ phát triển được tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công đến nước Mỹ.
Trừng phạt không phải là phương pháp hiệu quả
Các lệnh trừng phạt của LHQ và các nước đối với Triều Tiên rất hà khắc, tuy nhiên sẽ không có khả năng thay đổi được thái độ của Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, chương trình hạt nhân là chính sách, chủ trương xuyên suốt trong hệ thống chính trị, được quy định trong hiến pháp và trong hệ tư tưởng của đảng Lao động cầm quyền.
Thêm nữa, các lệnh trừng phạt lại không được thực hiện nghiêm túc, hoàn toàn. Đến hôm nay Trung Quốc vẫn chưa dứt khoát tỏ rõ thái độ trừng phạt mạnh Triều Tiên.
Theo National Interest, chỉ có một biện pháp duy nhất có thể thay đổi được quan điểm chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đó là cùng với Triều Tiên giải quyết các nguyên nhân đưa Triều Tiên tới quyết định theo đuổi vũ khí hạt nhân, cho Triều Tiên thấy được từ bỏ chương trình hạt nhân có thể mang lại nhiều lợi ích quốc gia to lớn.
Nói cách khác, cần thiết phải khôi phục thương lượng với Triều Tiên, đưa ra bàn bạc các lợi ích nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân chứ không chỉ chăm chăm trừng phạt. Vì thế, cần thiết phải khôi phục Vòng đàm phán sáu bên bị ngưng từ năm 2008, nếu không được thì phải thành lập một cơ chế, tiến trình tương tự.
Muốn cuộc thương lượng có kết quả như ý thì phải tìm hiểu điều Triều Tiên thật sự muốn và bàn cách đáp ứng. Dù Triều Tiên vẫn thường tuyên bố chương trình hạt nhân là không thể thương lượng nhưng không phải đã thật sự hết cách. Ông Kim Jong-un vừa đưa ra ba mục tiêu đồng thời cho Triều Tiên: Phát triển kinh tế, phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích quân sự. Các nước có thể nghiên cứu ba mục tiêu này để tìm cách tiếp cận phù hợp.
(Còn nữa)