Hai tháng trước, cha tôi đột ngột qua đời không để lại di chúc, di sản để lại gồm một căn nhà và một ô tô tải. Cha tôi chỉ có một người con là tôi, mẹ tôi cũng đã qua đời. Như vậy tôi được hưởng toàn bộ số di sản trên, tuy nhiên cha tôi đã mất thì làm sao để tôi thực hiện thủ tục sang tên xe ô tô?
Bạn đọc Nguyễn Văn Dần (Thủ Đức, TP.HCM).
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 5 Điều 23 Thông tư 15/2014 của Bộ GTVT, xe đã đăng ký (đứng tên cả hai vợ chồng hoặc chỉ đứng tên một người) mà người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe đã chết, mất tích (có giấy chứng tử hoặc tòa án tuyên bố mất tích) nay có nhu cầu sang tên cho vợ hoặc chồng hoặc sang tên, di chuyển cho người khác, nếu không có tranh chấp thì giải quyết đăng ký.
Trong trường hợp của anh Dần, đầu tiên anh phải đến tiến hành khai nhận di sản đối với ô tô tải.
Theo khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Vậy, thủ tục khai nhận di sản được thực hiện tại phòng hoặc văn phòng công chứng. Hồ sơ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm các giấy tờ sau;
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản (giấy đăng ký xe);
- Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế.
Sau khi nhận đủ hồ sơ khai nhận di sản, tổ chức công chứng thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản và tiến hành niêm yết trong thời hạn 15 ngày tại trụ sở của UBND xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.
Sau thời gian niêm yết, nếu không có ai khiếu nại, tranh chấp liên quan đến di sản này thì anh Dần sẽ ký văn bản khai nhận di sản có chứng nhận của công chứng viên. Khi đó, anh sẽ đem văn bản khai nhận di sản này cùng các giấy tờ liên quan khác đến Phòng CSGT nơi anh cư trú để được đăng ký sang tên.