Cơ quan công an tìm kiếm thi thể nữ giám thị bị tài xế taxi tại Hà Tĩnh giết hại, ném xuống ao - Ảnh: Văn Định
Sau vụ tài xế taxi Mai Linh Nguyễn Văn Tiến lợi dụng chở hành khách là nữ sinh Đại học Huế (trên đường đi làm công tác giám thị tại cụm coi thi Hà Tĩnh về) đến đường vắng rồi ra tay sát hại, cướp tài sản, nhiều người không khỏi lo lắng khi cho con em mình khi đi taxi.
Bạn đọc Tuyết Ngọc băn khoăn:
"Cháu gái tôi vừa ra trường, đi làm nhưng nhưng chưa biết đi xe máy nên ba cháu phải chở cháu đi làm. Mỗi khi ba cháu đi công tác thì cháu đi làm bằng taxi.
Tuy nhiên, mỗi lần cháu đi taxi là cả nhà tôi lo lắng, sợ chuyện không hay xảy ra với cháu khi ngày càng có nhiều tài xế nghiện ma túy, cờ bạc. Đặc biệt mới đây đọc báo thấy tin tài xế taxi ở Hà Tĩnh sát hại khách đi xe là một sinh viên để cướp của, gia đình tôi rất lo.
Vậy khi đi taxi, hành khách, đặc biệt là các cô gái trẻ cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn? Trường hợp hành khách thấy lo lắng khi tài xế chạy xe vào đường lạ, chạy lòng vòng thì nên phản ứng thế nào, cầu cứu ai?".
Phóng viên đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Nhật Thành - phó trưởng Công an Q.1, TP.HCM.
Nhớ số tài, số xe và thông báo cho người thân trước
Thượng tá Nguyễn Nhật Thành cho biết trước khi lên xe, hành khách cần chủ động lựa chọn các hãng taxi có thương hiệu được đăng ký, có logo, biển hiệu đầy đủ.
Ngay khi lên xe, hành khách cần nhìn đặc điểm của tài xế, nhìn tên và số tài của tài xế để ở đầu xe và có thể trao đổi thêm một số thông tin cơ bản của tài xế như tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình, là chủ xe, góp vốn hay chỉ lái thuê...
Việc trao đổi đó vừa giữ không khí thoải mái, cởi mở trong hành trình, vừa có thông tin đầy đủ vừa kiểm tra mức độ an toàn của tài xế trong hành trình.
Trong quá trình trao đổi, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào khả nghi, hành khách nên gọi điện cho người thân, bạn bè để báo thông tin mình đang đi xe của hãng nào, biển số bao nhiêu, số tài bao nhiêu.
Việc trao đổi như vậy của hành khách khiến tài xế trên xe cũng phải thể hiện một thái độ ứng xử chuẩn mực với hành khách, vì mọi thông tin cá nhân của tài xế đã được hành khách ghi nhận.
Tài xế không có ý đồ xấu thì cũng sợ bị phản ánh tới tổng đài của Công ty về thái độ phục vụ của mình một cách đầy đủ, chính xác. Nếu tài xế có ý đồ xấu, từ việc gian lận tiền cước, chạy lòng vòng sai tuyến đường, sai lộ trình cũng phải thay đổi ngay lập tức.
Nếu tài xế có ý định gây án ở mức nghiêm trọng hơn việc gian lận tiền, khi biết nạn nhân trên xe đã thông báo cho người thân tất cả thông tin của mình thì chắc chắn sẽ phải từ bỏ ý đồ gây án.
Vì cho dù có ra tay với nạn nhân, kể cả giết nạn nhân để bịt đầu mối thì cũng không có khả năng trốn thoát nên tài xế buộc phải từ bỏ ý định.
Trong những trường hợp bất khả kháng, buộc phải thuê xe tại các khu vực, địa bàn không có taxi thương hiệu, đi hành trình xa thì hành khách trước hết phải hỏi thông tin cá nhân, kiểm tra giấy tờ tùy thân của tài xế, kiểm tra đăng ký xe để tránh tài xế gắn biển số giả.
Trước khi lên xe, hành khách cần thông báo cho người thân của mình về hành trình, tài xế và biển số xe mình đã kiểm tra trước mặt tài xế để đảm bảo tài xế biết mọi thông tin về nhân thân của mình đã được công khai mà không dám làm bậy. Tung cửa chạy ra ngoài nếu có thể
Khi đã lên xe và trong hành trình, nếu hành khách phát hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường, khả nghi, như hỏi tài xế thông tin cá nhân, biển số xe, thông tin về xe, không trả lời, tài xế giấu mặt mình thì phải đề phòng ngay.
Có thể hỏi thẳng tài xế nếu đang ở khu vực đông người, để tài xế có biểu hiện bất thường thì yêu cầu dừng xe ngay tại đó để nếu có bất trắc còn có người dân bảo vệ.
Còn ở khu vực vắng người mà thấy lo lắng, hoang mang thì ngoài việc thông báo cho người thân, có thể khéo léo yêu cầu tài xế dừng ở một địa điểm đông người, trụ sở Công an, UBND vì một lý do nào đó phù hợp với hoàn cảnh để xuống xe, không nên đi hết hành trình nếu có dấu hiệu khả nghi.
Trong trường hợp phát hiện tài xế đi vào khu vực vắng người, trái với lộ trình thì ngay lập tức yêu cầu thay đổi hành trình theo đúng kế hoạch.
Nếu tài xế không thực hiện, hành khách luôn là người ngồi sau hoặc ngồi ngang hàng, vì vậy có đủ thời gian để chủ động điện thoại, nhắn tin, tùy theo tính chất, mức độ phản ứng của tài xế, làm sao báo cho người thân biết mọi việc một cách an toàn.
Nguy cấp hơn thì gọi cho lực lượng phản ứng nhanh bằng số 113 để được giúp đỡ khẩn cấp.
Nếu tài xế dừng xe bất thường, có dấu hiệu đe dọa ra tay với mình, hành khách có thể mở cửa chạy ra ngoài trước, vừa chạy vừa kêu cứu hoặc mở sẵn điện thoại từ trước để người thân, bạn bè biết thông tin mà tìm cách báo lực lượng chức năng ứng cứu từ xa.
Đối với cơ quan chức năng ở từng địa phương, qua công tác rà soát, nắm tình hình bằng các biện pháp nghiệp vụ, phải nắm được những hoạt động bất thường của chủ xe, tài xế có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật.
Qua việc nắm thông tin, hồ sơ về những đối tượng khả nghi sẽ có biện pháp xử lý ngăn chặn từ trước.
Nếu các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, dựa trên những hồ sơ tài liệu sẵn có, kết hợp với lời khai của nạn nhân, thân nhân nạn nhân trình báo cùng các biện pháp kỹ thuật khác mà nạn nhân đã cung cấp trước đó, cơ quan công an sẽ nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Theo GIA MINH (TTO)