“Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 89/193 quốc gia về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014. Năm 2018, chỉ số này được nâng thêm một bậc. Về chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 74/193 nước, tăng tám bậc so với năm 2014. Năm nay Việt Nam tăng được 15 bậc”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin với báo chí và nhìn nhận kết quả đạt được rất khiêm tốn sau 20 năm triển khai xây dựng chính phủ điện tử.
Còn tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
. Phóng viên: Vậy đâu là hạn chế, thưa Bộ trưởng?
+ Trước tiên là việc xây dựng thể chế chưa được quan tâm đúng mức. Nếu không định hình thể chế rõ ràng, không có quy định, yêu cầu rõ ràng để bắt buộc thay đổi từ sử dụng giấy tờ truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), có sự kiểm soát, giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước thì rất khó thực hiện. Bởi lâu nay chúng ta quen dùng giấy tờ, né tránh sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan.
Rào cản thứ hai là chúng ta còn tư tưởng thu gom, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một số cơ quan nên không muốn chia sẻ. Khó khăn nữa là chúng ta chưa hoàn thành nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia, trong khi đây là cái gốc của vấn đề khi xây dựng chính phủ điện tử.
. Thực trạng cái gốc của vấn đề hiện nay là tính kết nối thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương. Vì sao chúng ta để tình trạng này kéo dài?
+ Các bộ, ngành, địa phương đều có trung tâm CNTT nên đầu tư phân tán, dàn trải nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta chưa kết nối được từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương hoặc có kết nối nhưng đường truyền, hạ tầng chưa đảm bảo. Chúng ta không chia sẻ được với nhau, chưa tạo sự thống nhất, chuẩn hóa về dữ liệu, báo cáo và khung điện tử. Chúng ta chưa theo kịp xu thế phát triển chính phủ của các nước tiên tiến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo chí về chính phủ điện tử. Ảnh: TN
Chúng tôi đi tham quan thực tế tại Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore thì thấy mỗi nước đều có một thành tựu. Như Estonia là nước số hóa, đứng đầu thế giới vì có 99,99% dịch vụ công trực tuyến với người dân. Mỗi một năm Estonia tiết kiệm được khoảng 2% GDP.
Còn ở Hàn Quốc, họ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia chung, từ đó chia sẻ, phân phối dữ liệu thông tin cho các cơ quan và chia sẻ thông tin cho người dân. Những thông tin đó phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đất nước trên từng lĩnh vực. Họ nắm mọi thông tin, dữ liệu nên khi ra các quyết định hoàn toàn có cơ sở, chính xác, khách quan vì các dữ liệu này cập nhật thường xuyên.
Chúng tôi đang tham mưu với Thủ tướng xây dựng một hệ thống đường truyền quốc gia, tinh thần tháng 1-2019 sẽ kết nối tất cả bộ, ngành, địa phương và có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Từ đầu tháng 9-2018 phải bắt đầu thí điểm kết nối với 10 bộ và 15 địa phương.
Minh bạch để hạn chế tiêu cực, tham nhũng chính sách
. Một trong những kỳ vọng khi triển khai chính phủ điện tử là sẽ giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho dân. Vậy cơ chế nào khi vận hành chính phủ điện tử sẽ giúp hạn chế những tiêu cực trên, thưa Bộ trưởng?
+ Có thể nói xây dựng chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ. Thủ tướng đang quyết liệt yêu cầu cải cách ở các cơ quan hành chính nhà nước và cải cách thủ tục, đây là ưu tiên số một của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt sẽ hạn chế được tiêu cực, lãng phí, vì người dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết vấn đề của họ. Nếu chúng ta làm tốt cũng sẽ tạo ra công khai, minh bạch, từ đó hạn chế tham nhũng về thể chế, chính sách.
. Nhưng nhiều cán bộ, công chức không muốn sử dụng công nghệ bởi lo mất quyền và khi công khai, minh bạch, họ còn lo sẽ bị giám sát…
+ Đúng là nhiều người không muốn thay đổi thói quen làm việc trên giấy tờ sang sử dụng CNTT trên nền điện tử, vì họ không muốn rời bỏ quyền lợi, đặc ân. Nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh không chấp nhận việc đó, tất cả sẽ tiến tới quy định không dùng giấy tờ. Việc này còn gắn với kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nếu không làm nổi nữa, đành mời anh rời vị trí.
Nếu làm như vậy, nền hành chính sẽ chuyển động rất mạnh, việc giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn với tinh thần phục vụ.
Hiện Văn phòng Chính phủ đang thực hiện mục tiêu “Văn phòng phi giấy tờ”, việc quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc đều trên nền điện tử. Tôi đi công tác vẫn xử lý hồ sơ ở nhà. Hồ sơ của người dân, doanh nghiệp hay hồ sơ của bộ, ngành, địa phương đang chuyển tới vụ nào, ai theo dõi và đang làm gì đều có thể nắm được. Hay văn bản khi vừa phát hành sẽ đến ngay được địa chỉ nhận, thay vì việc cứ phải điện thoại thông báo đến lấy văn bản như cách cũ...
Văn phòng Chính phủ luôn có một đội công tác xuống bất cứ chỗ nào, “gõ” tận nơi nếu có phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương là hồ sơ giải quyết chậm.
“Chúng ta họp hành nhiều quá”
.Cách đây không lâu, Thủ tướng có đặt vấn đề cần giảm họp hành. TP.HCM, Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu giảm họp. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng họp hành hiện nay?
+ Đúng là chúng ta họp hành quá nhiều. Không riêng gì Chính phủ mà các bộ, ngành, địa phương cũng vậy thôi. Ngay cả vấn đề các báo cáo cũng quá lớn, có lẽ số lượng các báo cáo của năm sau so với năm trước càng lớn.
Văn phòng Chính phủ đang tham mưu giúp Thủ tướng xây dựng trung tâm điều hành của Chính phủ, từ đó sẽ giảm bớt các cuộc họp, giảm bớt các báo cáo không cần thiết, tạo ra sự chuyển hóa. Nếu chúng ta có một trung tâm điều hành thì tất cả báo cáo được chuyển lên mạng hết, chúng ta chỉ cần ấn nút là ra tất cả các chỉ số. Nhưng với điều kiện các chỉ số báo cáo này phải chuẩn hóa dữ liệu, còn nếu để nguyên mà cập nhật vào hệ thống thì không khai thác được. Chưa kể, các dữ liệu phải tinh, chắt lọc...
Đây là yêu cầu rất cao, chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng. Chúng ta cải cách từ nội bộ Chính phủ, đó là Chính phủ không giấy tờ, giảm các cuộc họp của Chính phủ, giảm thời gian họp của Chính phủ.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.