ThS-BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết uống rượu không làm cho người nóng lên mà chỉ khiến người uống thêm nguy cơ giãn mao mạch, trúng gió và tử vong vì rượu.
Bình thường, theo BS Bảo, khi uống rượu người uống sẽ cảm thấy ấm áp lúc đầu bởi vì nó khiến máu nóng lên dưới da nhưng người uống có thể sẽ cảm thấy lạnh hơn vì uống rượu có thể mất máu đi từ các cơ quan nội tạng, gây ra nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Bản chất rượu là một chất giãn tĩnh mạch, có nghĩa là nó làm cho mạch máu giãn nở, đặc biệt là các mao mạch dưới bề mặt của làn da của bạn, do đó máu nguội đi nhanh chóng.
Ở người bình thường, khi gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại, mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Khi cơ thể phải tăng cường cao độ để chống chọi với cái lạnh mà lại sử dụng chất kích thích như rượu bia quá độ, cơ thể sẽ quá tải gây nên tình trạng đổ bệnh. Nhất là khi uống rượu xong đi về nhà trên đường thời tiết lạnh, cơ thể không đủ ấm có thể gây vỡ mao mạch và rượu sẽ thẩm thấu vào máu gây ngộ độc rượu cấp tính.
Không chỉ có nỗi lo ngộ độc rượu khi trời rét do vỡ mao mạch mà còn nỗi lo rượu giả. Ngộ độc rượu có thể xuất hiện ở hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.