Hôm ấy, TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm vụ án hình sự một vụ giết người. Ông cụ gần 70 tuổi, da rám nắng, mái tóc bạc rối bời, lững thững bước vào phòng xử án với đôi mắt nặng trĩu tâm tư. Chiếc áo sơmi nhàu nhĩ, đôi dép lê cũ khiến vẻ ngoài ông thêm khắc khổ.
“Ông ấy là cha của bị cáo Dương, mới ở Bến Tre ra Đà Nẵng sáng nay. Hồi ở chiến trường Campuchia, ông bị thương nặng nên sức khỏe yếu, muốn hỏi gì thì phải nói thật lớn mới nghe được” - anh Trần Văn Tuấn, người hàng xóm đi cùng ông cụ, nói như muốn giải thích.
Bữa nhậu đáng quên trên tàu cá
Bị cáo Phạm Văn Dương, 39 tuổi, quê huyện Ba Tri, Bến Tre. Cha mẹ Dương có sáu người con, bị cáo là con cả. Nhà nghèo nên học hết lớp 8 bị cáo đã nghỉ học, đi làm mướn phụ gia đình nuôi các em.
Sau đó Dương rời quê đi kiếm sống, bị cáo lân la làm thuê trên các con tàu đánh cá ngoài khơi. Cuộc sống của bị cáo cứ thế lênh đênh trên biển suốt 17 năm trước khi làm thuê cho một chủ tàu ở Quảng Ngãi.
Khoảng 23 giờ ngày 11-1-2019, trong lúc tàu neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), bị cáo ngồi nhậu với hai người bạn, trong đó có anh Nguyễn Quang Nam. Trong lúc đùa giỡn, anh Nam dùng tay đấm vào má Dương khiến bị cáo bực tức, đứng dậy bỏ ra phía sau đuôi tàu đi vệ sinh.
Lúc này, bị cáo thấy con dao trên kệ đựng chén bát và nảy ý định trả thù. Dương cầm dao quay lại chỗ nhậu hành hung anh Nam. Hậu quả, anh Nam bị đa chấn thương và chấn thương sọ não, thương tích 26%.
Phiên tòa vắng mặt bị hại. Trước khi tòa xử, gia đình bị cáo đã bồi thường 20 triệu đồng, anh Nam cũng đã có đơn xin giảm án cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường thêm.
Đứng trên bục khai báo, Dương dáng người nhỏ thó, luôn cúi mặt và trả lời HĐXX khá nhỏ. Bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Vị chủ tọa yêu cầu Dương lý giải vì sao chém người bị hại nhiều nhát, bị cáo khai: “Thưa HĐXX, tối đó bị cáo nhậu từ 7 giờ đến 11 giờ đêm, thực sự là rất say nên không làm chủ được hành vi. Sau khi tỉnh lại, bị cáo không nhớ mình đã làm những gì. Trước giờ bị cáo chưa từng đánh ai cả…”.
Nữ thẩm phán tiếp: “Bị cáo đi biền biệt, không gửi đồng nào về phụ cha mẹ nuôi các em. Đến khi gây án mới trở về nhà khiến cha mẹ phải lo lắng. Mẹ bị cáo thì mắc bệnh tim, cha bị cáo thì già yếu, quanh năm thuốc thang. Gia đình phải vay mượn khắp nơi để có tiền bồi thường cho người ta, rồi lặn lội ra đây lo lắng cho bị cáo. Những điều này bị cáo có biết không? Có bao giờ bị cáo ngẫm xem mình đã làm tròn đạo làm con hay chưa?”.
Nghe đến đây, Dương im lặng hồi lâu rồi bật khóc. phía dưới người cha ngồi lặng lẽ, chỉ ai để ý mới thấy ông vẫn thường kín đáo lau đi những giọt nước mắt.
Bị cáo Phạm Văn Dương (giữa) và người cha tranh thủ trò chuyện ngay bậc thềm trụ sở tòa án. Ảnh: TÂM AN
Nợ một chữ hiếu!
Giờ nghị án, ông lão lật đật chạy đến đưa cho bị cáo chai nước suối rồi hai cha con tranh thủ trò chuyện. Kể từ khi Dương bị bắt, vì đường xa cách trở nên hôm nay họ mới có cơ hội gặp nhau. Biết thế nên mấy anh cảnh sát tư pháp cũng tạo điều kiện trong phạm vi cho phép.
Hiểu hoàn cảnh của bị cáo, nữ kiểm sát viên, luật sư và thư ký phiên tòa sau đó cũng lần lượt đến hỏi han, động viên hai cha con. “Chuyện lỡ rồi, bị cáo ráng cải tạo tốt rồi còn về phụng dưỡng cha mẹ. Ông bà già rồi, chấp hành án xong thì về quê tìm việc mà ở gần cha mẹ, có gì ăn nấy, đừng phạm tội nữa nghen…” - vị nữ kiểm sát viên khuyên nhủ.
Anh Trần Văn Tuấn, người hàng xóm đi cùng cha bị cáo, cho hay gia đình bị cáo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông cụ tuổi cao sức yếu nhưng đang là lao động chính trong gia đình. Hằng ngày ông đi giữ các vuông tôm thuê cho người ta. Còn mẹ Dương thì đi lượm ve chai, lông gà, lông vịt để mưu sinh.
Anh Tuấn kể tiếp, suốt một thời gian dài Dương đi biền biệt, không mẩu tin về nhà. Mẹ bị cáo tưởng con ngã biển chết nên lập bàn thờ hương khói, lấy ngày đi là ngày giỗ. Đầu năm 2019, bị cáo bất ngờ trở về quê trong trạng thái phờ phạc, không xu dính túi.
Dương nói là không có tiền nên những năm qua không dám về nhà. Mẹ bị cáo nghe thế thì khóc ngất, thắp hương tạ ơn trời Phật vì cho bà gặp lại con trai. Niềm vui đoàn tụ chưa bao lâu thì bà một lần nữa ngã quỵ khi biết con mình gây án ở Đà Nẵng.
Bảy năm tù là cái giá mà bị cáo Dương phải trả cho hành vi của mình. Tòa vừa tuyên, ông lão luống cuống chạy vội ra xe bít bùng để nhìn con thêm lần nữa và dặn bị cáo ráng ăn uống, cải tạo tốt để sớm về nhà. Bị cáo ngập ngừng: “Ba về cẩn thận, nhắn mẹ nhớ đợi con về. Con xin lỗi!”. Ông lão gật đầu, giơ tay ra hiệu con an tâm.
Trước khi lên xe ra về, ông lão dặn tôi: “Con biết Dương chấp hành án ở đâu thì báo giúp chú với nghen. Có chi gọi điện nhờ người thăm nom chứ gia đình ở xa quá, sức khỏe yếu nên chú khó ra với nó được nữa…”.
Người hàng xóm tốt bụng Anh Trần Văn Tuấn chỉ là hàng xóm của gia đình bị cáo Dương. Biết cha bị cáo ra tận Đà Nẵng dự tòa nên anh không yên tâm để ông cụ già yếu đi một mình nên vác ba lô đi cùng. Mẹ Dương cũng muốn đi một lần để nhìn mặt con nhưng sức khỏe yếu, đi lại không tiện. Anh Tuấn kể: “Lúc tui sang nhà cùng đi, ông cụ ngồi hè ôm mặt khóc rưng rức. Ổng kêu “sao khổ vậy nè chú Tuấn ơi, nó đi tù ở đó rồi lấy ai mà chăm nom”. Bà cụ thì nhờ tui nhắn Dương ráng ăn uống, cải tạo tốt để sớm về cho bà ấy nhìn mặt lần cuối trước khi chết”. |