Nhiều đại biểu quan tâm đến việc quản lý chặt nguyên liệu tiền chất, chất gây nghiện dùng làm thuốc, vì nếu quản lý không chặt sẽ phát sinh tệ nạn xã hội. “Các chất gây nghiện, hướng tâm thần cần quản lý chặt nhưng trong thời gian vừa qua việc quản lý các chất này có rất nhiều lỗ hổng” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói. Bà Lan đề xuất trong Luật Dược sửa đổi cần có một chương dành cho thuốc đặc biệt chứ không phải như một điều (Điều 37) như dự thảo nêu.
“Việc sử dụng dược chất sai mục đích, thí dụ các chất cấm trong nông nghiệp đang gây hại xã hội. Luật Dược lần này cần đưa ra quy định và sửa đổi rõ ràng hơn từ nhập khẩu như thế nào, quản lý ra sao” - DS Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM, kiến nghị thêm.
Có nguy cơ tiền chất, chất gây nghiện trong thuốc thành phẩm sẽ được một số đối tượng chiết xuất lại sử dụng với mục đích xấu. Ảnh: TÙNG SƠN
Còn theo ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho rằng hiện nay chỉ quy định quản lý nhập khẩu nguyên liệu đặc biệt làm thuốc chữa bệnh, còn các loại khác thì như hàng hóa thông thường là chưa đảm bảo. Thí dụ thuốc thú y do Bộ NN&PTNT quản lý.
Bàn về vấn đề tiền chất, chất gây nghiện dùng làm thuốc, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn để xã hội của Quốc hội, cho rằng cần có quy định báo cáo định kỳ hằng tháng/quý đối với DN mua về: Họ mua về sản xuất cái gì, bán buôn, bán lẻ cho ai. “Cần thêm điều nghiêm cấm chiết xuất chất gây nghiện từ các thuốc thông thường” - ông Tiên nói.
Ở góc độ DN, hầu hết DN dược cho rằng hiện nay các DN trong nước sản xuất được nhiều loại thuốc nhưng lại cho DN nước ngoài vào đầu tư, đăng ký, cũng mở xưởng sản xuất, thậm chí là nhập khẩu những loại thuốc này. Do vậy, Luật Dược sửa đổi cần có cơ chế là không nên cấp visa nhập khẩu cho các hợp chất mà trong nước đã sản xuất được để thực hiện chiến lược người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt và phát triển công nghiệp dược trong nước.