Trong khi hầu hết các vở cải lương, các chương trình cải lương của các bầu show tư nhân đều chỉ đánh nhanh, rút lẹ, gom khách sau một, hai suất diễn đông đảo đầu tiên thì chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội vẫn kiên trì trụ lại cho đến suất thứ tám trong suốt hơn ba tháng qua, sẽ còn diễn tiếp đến suất thứ 10 và thêm hai suất nữa vào tháng sau.
Trang trọng trong từng tiểu tiết
Sau chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương do Sở VH&TT TP.HCM gây nhiều tranh cãi, tiếc nuối trong dư luận, bỗng dưng giới mộ điệu cải lương được đón nhận chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội do một công ty tư nhân thực hiện.
Không cầu kỳ, không chiêu trò câu khách, chương trình cứ đằm thắm dẫn người xem đi suốt lịch sử 100 năm cải lương một cách sáng rõ. Sân khấu cứ dần tái hiện thuở sơ khai của cải lương bằng màn ca ra bộ như những ban nhạc tài tử ở miền quê xưa với tiếng côn trùng rả rích, người đờn ca thì mặc áo dài trang trọng, chỉn chu. Rồi màn ca cảnh mô tả sự ra đời của bài Dạ cổ hoài lang diễn lại cảnh tình phu thê của nhạc sĩ Cao Văn Lầu với đôi chiếu loan phụng đậm hồn Nam bộ. Rồi những khúc phim tư liệu về người nghệ sĩ tiền bối như tổ sống của cải lương là bà Phùng Há được đưa đến khán giả... Quá trình ra đời, phát triển đỉnh cao của nghệ thuật cải lương được đúc kết đủ đầy trong hai trích đoạn cải lương tiêu biểu, một thuộc thể loại cải lương xã hội là Đời cô Lựu, một thuộc cải lương tuồng cổ là Câu thơ yên ngựa viết thêm phần lý giải tâm lý nhân vật hoàng hậu Thượng Dương như sự minh chứng độ mở của nghệ thuật cải lương.
Không ồn ào, rầm rộ, chương trình được làm dung dị mà cẩn trọng, trang trọng từng chi tiết. Chỉ một cảnh mở màn thôi mà chương trình huy động cả một dàn ca sĩ tân nhạc hát bè, một vũ đoàn quy mô hợp cùng những nghệ sĩ diễn cải lương của chương trình để làm thành một tiết mục độc đáo kết hợp bài Tình ca - Tiếng nước tôi của nhạc sĩ Phạm Duy với bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu khiến lòng người xem bồi hồi vì hồn cải lương, hồn dân tộc. Từ đó, sự cảm động của người xem với những người làm chương trình cũng dâng tràn bởi cải lương và người xem được trân trọng quá.
NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Trinh Trinh trong trích đoạn Đời cô Lựu trên sân khấu Cải lương - Trăm năm nguồn cội. Ảnh: LÂM HẠNH
Tấm lòng của những trí thức trẻ
Hiếm có chương trình cải lương tư nhân nào mà đầu tư công phu, tốn kém, quy mô, diễn lỗ vẫn kiên trì với mục tiêu thuyết phục khán giả hãy tin mình, đến với cải lương mình làm như Trăm năm nguồn cội. Họ diễn ròng rã tám suất kéo dài suốt hơn ba tháng, khách lúc vắng, lúc đông, nhất là vào những ngày mưa gió do ảnh hưởng của bão bất thường, lại không trúng ngày nghỉ cuối tuần, khán giả lười đến rạp, lượng khách vắng hẳn đi nhưng trước đêm diễn nghệ sĩ vẫn tập dượt lại nghiêm túc. Tối đến nhân viên của công ty làm chương trình vẫn lớp trước lớp sau mỗi người một vị trí lo lắng từng chi tiết nhỏ nhất của chương trình, đón tiếp chu toàn từng vị khách, ban giám đốc công ty luôn có mặt xem xét, theo dõi từ đầu đến cuối.
Chương trình được giới thiệu ý nghĩa và nội dung đúng như cái tên của mình là tổng kết quá trình 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam và để tri ân các tiền bối dày công tạo dựng nên một nền nghệ thuật đậm hồn dân tộc. |
Các nghệ sĩ, diễn viên viên chính, phụ tham gia chương trình không thiếu một người, không một chi tiết diễn, một chi tiết kỹ thuật nào như phun khói... được cắt bớt để bớt chi phí như các bầu show thường làm. Chương trình sau khi gây được tiếng vang những suất đầu cũng không dời khỏi Nhà hát Bến Thành đến diễn ở các rạp hát nhỏ hơn để đỡ tốn kém tiền thuê rạp rất mắc như chiêu của các bầu show. Chương trình đông hay vắng khách đều diễn tại Nhà hát Bến Thành để giữ uy tín, vị thế của mình. Khi được đặt câu hỏi vì sao không sợ lỗ, vì sao khi vắng khách không bớt chất lượng chương trình, bà Nguyễn Vũ Đan Vi, đại diện đơn vị tổ chức chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, một trí thức thế hệ 8x, đã trả lời: “Tại sao mình lại bớt chất lượng chương của mình đi khi mình muốn thuyết phục người ta đến xem cải lương mình làm. Chúng tôi muốn làm nóng lại sân khấu cải lương bằng cách thực hiện một chương trình mang tính khoa giáo nhưng phải hấp dẫn, gần gũi, dễ tiếp nhận”.
Và rõ ràng chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Có những khán giả đã mấy chục năm không đến sân khấu cải lương tìm đến xem và bảo họ như được sống lại trong không khí cải lương chỉn chu ngày xưa. Nhiều khán giả trẻ lần đầu tiên mua vé xem cải lương, đến hai giờ khuya vẫn nhắn tin trên fanpage, tâm sự rằng chưa bao giờ nghĩ cải lương lại độc đáo và hay đến vậy.
Đáng yêu biết chừng nào! Chương trình xác định được chủ thể đang đứng ở đâu: Người hâm mộ một loại hình nghệ thuật đặc trưng của miền Nam và muốn truyền cảm hứng đấy đến với nhiều người hâm mộ khác nữa như một làn sóng mới tìm lại cội nguồn xưa, rất khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp và thông minh! Để tiếp tục yêu và cùng tôn vinh, đơn giản chỉ thế thôi mà rất giá trị, đáng yêu biết chừng nào! Nghệ sĩ THÀNH LỘC |