Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, kết hôn giả tạo, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi. Quy định cấm lừa dối để kết hôn bị bỏ. Lý do là những hành vi lừa dối để kết hôn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ hôn nhân (đang có vợ, có chồng; quan hệ huyết thống...) thì đã có quy định cấm kết hôn rồi, còn những hành vi lừa dối vụn vặt phổ biến (hứa hẹn nhiều tiền, có nhà, có xe, bố làm to...) thì không cần đưa vào quy định cấm, rồi nặng nề chuyện xử lý.
Trong lần chỉnh lý dự thảo này, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cũng đề xuất bỏ phần quy định cấm lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác. Cơ quan này cho rằng những trường hợp cấm kết hôn này đã nằm trong quy định “cấm kết hôn giả tạo”. Chưa kể quy định “cấm lợi dụng việc kết hôn vì mục đích trục lợi” cũng chưa phù hợp.
Dự thảo Luật HNGĐ lần này cũng được chỉnh lý về phần giải quyết tài sản đối với các cặp chung sống mà không đăng ký kết hôn. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về tài sản thì thực hiện theo thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận bị tòa tuyên bố vô hiệu thì giải quyết theo BLDS. Điểm mới là có bổ sung quy định: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến việc duy trì đời sống chung được xem như lao động trực tiếp tạo lập tài sản”.
BÌNH MINH